PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/06/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hiệu quả bước đầu từ mô hình của Đề tài “Nghiên cứu sâu bệnh hại chính và ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng cây hồng không hạt tại tỉnh Bắc Kạn” tại huyện Ba Bể
Sau 1 năm triển khai thực hiện, mô hình của Đề tài “Nghiên cứu sâu bệnh hại chính và ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng cây hồng không hạt tại tỉnh Bắc Kạn” tại huyện Ba Bể đã có kết quả bước đầu, đem lại tín hiệu đáng mừng cho người dân trồng hồng không hạt ở địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Mô hình chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt Bắc Kạn
tại thôn Nà Chom, xã Quảng Khê đang phát triển tốt

Hồng không hạt là cây ăn quả đặc sản của tỉnh Bắc Kạn, được trồng chủ yếu tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 799 ha hồng không hạt, trong đó có 513 ha đã cho thu hoạch.

Từ năm 2019, tại các huyện Ba Bể và Chợ Đồn, cây hồng không hạt xuất hiện tình trạng quả hồng bị rụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng quả. Năm 2020, tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, hiện tượng rụng quả trên cây hồng không hạt tiếp tục diễn ra và có xu hướng tăng so với năm 2019. Theo báo cáo từ các huyện, nguyên nhân gây ra rụng quả hồng là do bệnh hại, ảnh hưởng của thời tiết và thiếu dinh dưỡng, trong đó rụng quả do bệnh hại chiếm đến 50% tại Chợ Đồn và 60% tại Ba Bể. Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã đề xuất tỉnh cần thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu về bệnh hại, nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đề xuất của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh đã phê duyệt, nhất trí cho Viện Bảo vệ thực vật chủ trì phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trường Cao đẳng Bắc Kạn (nay là Trường Cao đẳng cộng đồng Bắc Kạn) và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu sâu bệnh hại chính và ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng cây hồng không hạt Bắc Kạn” (Đề tài) từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2023. Đề tài được triển khai nhằm các mục tiêu là xác định được thành phần sâu bệnh hại trên cây hồng không hạt, chỉ ra được các loài sâu bệnh hại chính và tác hại của chúng đối với cây hồng không hạt tại tỉnh Bắc Kạn, xác định được các biện pháp, kỹ thuật phòng, chống đạt hiệu quả (≥70%); ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình nhằm nâng cao năng suất, sản lượng hồng không hạt Bắc Kạn tăng tối thiểu 15% so với sản xuất đại trà; chuyển giao các biện pháp, kỹ thuật phòng chống sâu bệnh hại chính trên cây hồng không hạt Bắc Kạn.

Trong phạm vi Đề tài, mô hình thực hiện các biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hồng không hạt Bắc Kạn được triển khai tại khu sản xuất Khưa Phát, thôn Nà Chom, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể với quy mô 2 ha. Đây là mô hình mẫu để tìm ra loại sâu bệnh gây hại chính trên cây hồng không hạt và xác định được loại thuốc đặc trị. Qua đó, khuyến cáo người dân về diễn biến của sâu bệnh gây hại theo từng thời điểm sinh trưởng của cây để phun thuốc cho phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thâm canh cây hồng không hạt nhằm khắc phục tình trạng sâu bệnh, mất mùa, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng.

Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề tài, đơn vị chủ trì Đề tài đã xác định được bệnh thán thư là bệnh hại chính trên cây trồng và một số bệnh hại thứ yếu khác hiện đang được lấy mẫu, giám định tên khoa học. Đối với mô hình của Đề tài, Viện Bảo vệ thực vật đã xác định được một số loại thuốc và thời điểm sử dụng thuốc có hiệu quả để phòng chống bệnh thán thư và một số sâu, bệnh hại khác; cử cán bộ kỹ thuật bám nắm cơ sở và cấp phát vật tư cho người dân đầy đủ để phun phòng trừ bệnh, rệp sáp hại cây hồng. Đến nay, mô hình đang sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ mắc bệnh thán thư, thối và rụng quả thấp hơn hẳn so với những diện tích đối chứng.

Là một trong các hộ gia đình tham gia mô hình của Đề tài, ông Hoàng Văn Phục, thôn Nà Chom cho biết, năm 2020, gia đình ông tham gia mô hình với diện tích 0,8 ha, tương đương có 800 cây hồng không hạt. Thực hiện mô hình, gia đình ông được hướng dẫn rất kỹ về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây hồng không hạt, nhất là khi phát hiện có cành hồng bị sâu bệnh được hướng dẫn cắt tỉa và phun thuốc kịp thời. Mặc dù thực hiện mô hình đúng năm đầu tiên, cây bói quả không thể đối chứng với các vụ trước đó nhưng so với những diện tích xung quanh không nằm trong mô hình của Đề tài cho thấy, tỷ lệ rụng quả thấp hơn. Năm 2021, so sánh càng thấy sự khác biệt rõ rệt khi cùng độ tuổi nhưng diện tích cây hồng không hạt của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hơn trong khi các vườn khác có nhiều cây bị chết cành, rụng lá và rụng quả.

Ông Hoàng Văn Phục bên cây hồng không hạt đang sai quả

Để chứng minh những điều chia sẻ về mô hình, ông Phục đã đưa chúng tôi thăm vườn hồng của gia đình nằm tại khu Khưa Phát, thôn Nà Chom. Vườn hồng không hạt của gia đình ông Phục đang phát triển rất tốt, lá to, xanh mướt, không có hiện tượng sâu cuốn lá hay chết cành. Mặc dù là năm thứ hai cho quả nhưng cây hồng vườn ông Phục khá sai quả và đến thời điểm này chưa có hiện tượng rụng quả.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, cùng khu sản xuất với vườn hồng nhà ông Phục, những vườn hồng khác không phát triển được, có nhiều cây trụi cành lá và không có quả. Được biết những diện tích này không nằm trong mô hình của Đề tài, không được chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê Đàm Văn Lẫm, mô hình mới được triển khai thực hiện năm 2020 nhưng đến nay có thể thấy đang có kết quả bước đầu rất khả quan. Sau khi nghiên cứu, xác định được sâu bệnh hại chính và các biện pháp phòng trừ thì tình trạng sâu bệnh hại cây hồng không hạt trên những diện tích thực hiện mô hình đã giảm đáng kể; cây phát triển tốt, nhiều tán, đậu quả nhiều hơn. Xã Quảng Khê mong muốn cơ quan chuyên môn sớm triển khai hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đồng đều trên toàn bộ diện tích hồng không hạt của xã để khắc phục được những diện tích bị sâu bệnh, góp phần tăng năng suất, chất lượng, duy trì ổn định diện tích cây trồng đặc sản của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Hương Dịu