PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn đầu tư phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thể lực, trí lực và các kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động, thông tin thị trường cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Để hoàn thành chỉ tiêu nâng cao thể lực theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ ban hành về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 52), Bắc Kạn đã tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; triển khai kịp thời các chính sách về dinh dưỡng trẻ em, trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ mang thai và cho con bú tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hướng dẫn sử dụng đa dạng hóa các nguồn thực phẩm sẵn có của địa phương để tăng cường cải thiện dinh dưỡng cho người dân. Nhờ đó, tỷ suất tử vong trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi/1.000 trẻ đang sống giảm còn dưới 13%o, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của tỉnh (chỉ tiêu đến năm 2020 dưới 22%o), vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết 52 (đến năm 2020 giảm xuống 22%o); nâng tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số từ 72,4 tuổi năm 2016 lên 72,6 tuổi năm 2020, gần đạt chỉ tiêu Nghị quyết 52 là tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số lên 73 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi năm 2020 là 28%, đạt chỉ tiêu chung của Nghị quyết 52 là 29%.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh tại Trường Tiểu học Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn

Thực hiện chỉ tiêu phát triển trí lực, tỉnh tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thực hiện các chế độ, chính sách cho học sinh; thực hiện rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với dân số, điều kiện của từng địa phương; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú… Nhờ đó, toàn tỉnh hiện đã có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú, 20 trường phổ thông dân tộc bán trú. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trẻ đến trường... Chỉ tính riêng năm học 2020 - 2021, trên địa bàn tỉnh, 97,72% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; 99,38% học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học; 95,16% học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi bậc THCS; 94,1% học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi bậc THPT... So với chỉ tiêu Nghị quyết 52, các chỉ tiêu của tỉnh đều đạt và vượt Nghị quyết đề ra. 

Ngoài ra, Bắc Kạn cũng quan tâm triển khai các giải pháp nhằm nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào đối tượng học sinh dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường để tạo điều kiện cho các em có nhiều cơ hội giao tiếp, giúp củng cố và nâng cao vốn tiếng Việt; hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh; thường xuyên giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, sống có lý tưởng...

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bắc Kạn tìm hiểu về cây đàn tính (Ảnh baobackan.org.vn)

Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số từng bước chuyển biến tích cực. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã tổ chức mở các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức; liên kết với các cơ sở đào tạo lớn tổ chức mở các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Công tác đào tạo cho lao động người dân tộc thiểu số cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được 13.975 lao động là con em dân tộc thiểu số được đào tạo nghề; tạo việc làm mới cho hơn 22.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số; tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường cho hơn 21.450 người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Riêng đối với hoạt động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã có 2.500 người dân tộc đi làm việc tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Rumani, Algeri... Đa số người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có thu nhập ổn định và cao hơn so với việc làm trong nước cùng ngành nghề, cùng trình độ. Qua đó nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 đạt trên 30% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 52); nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp đạt tối thiểu 25% (đạt chỉ tiêu); tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm đến năm 2020 đạt 80% số lao động, vượt 30% so với chỉ tiêu Nghị quyết 52 đề ra…

Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn để phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, song trên cơ sở những thành quả đạt được, thời gian tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu tiên, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.

Thu Cúc