Độ tương phản
Từ mô hình thí điểm
Năm 2020, Vi Hương (Bạch Thông) là một trong 7 xã trên toàn quốc được lựa chọn triển khai thí điểm chương trình chuyển đổi số, với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình ra các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động chuyển đổi số được triển khai tại xã gồm: Xây dựng các kênh giao tiếp, tương tác thuận tiện hơn với người dân; nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh, cài phần mềm chuyển văn bản sang âm thanh thông qua nền tảng AI (trí tuệ nhân tạo); triển khai các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng; triển khai nền tảng kết nối thương mại điện tử Agri Connect cho các sản phẩm nông sản của xã (Agri Connect là nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản); phần mềm bán hàng ShopOne; triển khai cầu truyền hình và nền tảng hỗ trợ hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth tại trạm y tế; lắp đặt trạm phát sóng di động 4G; trạm wifi công cộng tại khu vực UBND xã.
Sau thời gian triển khai, Chương trình chuyển đổi số góp phần thay đổi nhận thức, tác phong trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của lãnh đạo và công chức xã Vi Hương theo hướng năng động, hiện đại, chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn gần dân, vì dân. Đối với người dân, nhiều người đã hiểu được thế nào là chuyển đổi số, nội dung của chuyển đổi số và những lợi ích có được từ chuyển đổi số. Từ đó có sự thay đổi và chủ động nắm bắt cơ hội do chuyển đổi số mang lại trong sản xuất cũng như sinh hoạt đời thường. Về phía doanh nghiệp, Hợp tác xã Thiên An trên địa bàn xã Vi Hương đưa thành công sản phẩm có mặt tại sàn thương mại điện tử.
Nhân rộng 8 mô hình chuyển đổi số cấp xã
Sau thành công của giai đoạn 1 thí điểm chuyển đổi số tại xã Vi Hương, tỉnh tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi số tại 8 xã, phường trên địa bàn tỉnh, đó là các đơn vị: Phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn; xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông; xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể; xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn; xã Như Cố, huyện Chợ Mới; xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn; xã Côn Minh, huyện Na Rì và xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. Các nội dung triển khai tập trung vào 3 trụ cột: Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số.
Thực hiện chủ trương trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch về thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã/phường/thị trấn. Trong đó, xác định các nhiệm vụ cụ thể với sự tham gia của 8 sở, ngành và 4 doanh nghiệp; ban hành mẫu phiếu khảo sát, mẫu kế hoạch cho các đơn vị thực hiện; thành lập Tổ triển khai Kế hoạch số 369/KH-UBND của UBND tỉnh với sự tham gia của 42 thành viên thuộc 8 sở, ngành và 4 doanh nghiệp có nội dung triển khai.
Đến nay, Tổ đã làm việc trực tiếp với UBND thành phố Bắc Kạn và UBND phường Sông Cầu nhằm thảo luận, góp ý cho kế hoạch thực hiện tại phường Sông Cầu. UBND huyện Na Rì, UBND huyện Ba Bể và thành phố Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số; 5 huyện còn lại đã có dự thảo Kế hoạch, đang trong quá trình xin ý kiến tham gia góp ý của Sở Thông tin và Truyền thông. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị cấp chứng thư số chuyên dùng cho 510 giáo viên tại tất cả các trường học trên địa bàn 8 xã, phường thí điểm; đồng thời đề nghị VNPT hỗ trợ các ứng dụng của ngành Giáo dục, đặc biệt là mở miễn phí chức năng xem kết quả học tập trên Sổ liên lạc điện tử vnEdu teacher và vnEdu connect cho phụ huynh trong thời gian từ 1/9/2023 cho đến khi kết thúc chương trình thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã, phường hoặc khi có nguồn kinh phí chi trả các ứng dụng.
Việc triển khai chuyển đổi số tại 8 xã điểm đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, một rào cản trong triển khai đó chính là nhiều người dân chưa có điện thoại thông minh để tham gia thực hiện. Để tháo gỡ rào cản này, ngày 28/7/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 506/KH-UBND về việc triển khai Chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 8 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023. Thực hiện Kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông đã thành lập Tổ tiếp nhận tài trợ, quyên góp, ủng hộ Chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh thực hiện chuyển đổi số năm 2023. Đến nay, Chương trình đã tiếp nhận được tổng số kinh phí hỗ trợ 803 triệu đồng (gồm tiền mặt và điện thoại hỗ trợ trực tiếp). Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức trao tặng đợt 1 với 176 chiếc điện thoại thông minh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hoàng Văn Thiên cho biết, Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, để thực hiện chuyển đổi số, Bắc Kạn xác định phải dựa vào điều kiện và nguồn lực thực tế để đưa ra các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm phù hợp và hướng tới mục tiêu lấy người dân là chủ thể. Ngoài ra, trong chuyển đổi số, điện thoại thông minh chính là cầu nối đưa mỗi người dân tiếp cận nhiều dịch vụ công tốt hơn, giúp xóa đi khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, chính vì vậy, Bắc Kạn rất cần sự đồng hành, góp sức của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, các cá nhân, tổ chức hảo tâm. Sự chung tay góp sức ấy sẽ đưa những chính sách nhân văn và những mục tiêu quan trọng của chương trình vào cuộc sống, cùng kết nối đưa người dân đến gần với công nghệ số./.
Thúc đẩy người dân tham gia hoạt động chuyển đổi số (04/10/2023)
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 (26/09/2023)
Tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn” năm 2023 theo địa chỉ https://thitructuyenchuyendoiso.backan.gov.vn (09/09/2023)
Ít nhất 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên của cơ quan, đơn vị tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn” năm 2023 (09/09/2023)
Nỗ lực triển khai Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (08/09/2023)