PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/10/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn: Những thành tựu giai đoạn 2015-2020
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tranh thủ mọi thời cơ, khắc phục khó khăn, nỗ lực đạt được những thành tựu quan trọng trọng trên tất cả các lĩnh vực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp ủy làm tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, trong đó, tiếp tục triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhiệm kỳ qua, đã có 3.497 đồng chí được cử đi học trung cấp và cao cấp lý luận chính trị; 3.106 đồng chí Bí thư chi bộ và cấp ủy cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng.


Tỉnh Bắc Kạn quan tâm, tạo điều kiện cử cán bộ tham gia các lớp học trung cấp
và cao cấp lý luận chính trị (Ảnh: Bế mạc lớp CCLL hệ không tập trung khóa 2017-2019 tại Bắc Kạn)

Công tác phát triển đảng viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy thường xuyên quan tâm. Toàn Đảng bộ tỉnh hiện có trên 35.000 đảng viên (tính đến hết tháng 8/2020), chiếm 10,1% dân số. Việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng được tích cực chỉ đạo, trong đó tập trung xây dựng, thực hiện tốt các tiêu chí về tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Qua đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng hằng năm cho thấy, có trên 70% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hơn 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng có sự đổi mới. Các cấp ủy đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Trung ương bằng việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đồng thời xây dựng, ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, đúng thẩm quyền. Chỉ đạo thực hiện chặt chẽ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc giới thiệu, phân công cấp ủy viên có trình độ, năng lực và uy tín tham gia vào bộ máy của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương nhất là đối với lãnh đạo chủ chốt các cấp. Các đồng chí cấp ủy viên tăng cường đi công tác cơ sở để tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, tạo được chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tổ chức xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp. Phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được cải tiến theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi Nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được củng cố, tăng cường.

Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai đồng bộ, chất lượng các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, đặc biệt là đổi mới một bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ là thông qua hình thức sát hạch. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng và xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm, duy trì nền nếp, giữ nghiêm kỷ luật đảng...

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước và có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đồng thời thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Kinh tế duy trì đà tăng trưởng khá

Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 5,3%/năm. GRDP đến năm 2020 ước đạt 12.840 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 40 triệu đồng/người, đạt 102% mục tiêu. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 5,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Đến năm 2020, ngành nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 15,2%; dịch vụ chiếm 53,3%. So với năm 2015, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp giảm 4,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 0,9%; dịch vụ tăng 3,9%.


Bình quân lương thực đầu người của tỉnh đạt 560kg/năm

Sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chế biến nông sản và tổ chức sản xuất có liên kết trong khu vực. Các loại cây đặc sản có thế mạnh của tỉnh như cam, quýt, chè, hồng không hạt từng bước được thâm canh, tăng dần năng suất, chất lượng sản phẩm; một số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh đã có sản phẩm đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Châu Âu là Miến dong Tài Hoan của HTX Tài Hoan (huyện Na Rì).

Giai đoạn 2015-2020, sản lượng lương thực có hạt của tỉnh đạt 178,5 nghìn tấn/năm, đạt 102% kế hoạch; bình quân lương thực đầu người đạt 560 kg/năm.

Toàn tỉnh trồng mới được 32,7 nghìn ha rừng, đạt 107% kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng rừng gỗ lớn 17.619/15.000 ha, đạt 117% so với kế hoạch. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 72,9%, vượt kế hoạch đề ra.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chú trọng. Từ năm 2015 đến nay, bằng các nguồn vốn thực hiện Chương trình, trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.200 công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư, cải tạo; 145 mô hình và 81 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hỗ trợ. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 12,5 tiêu chí, vượt kế hoạch đề ra.

Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được triển khai khá hiệu quả. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 105 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên.


Gian hàng OCOP huyện Ba Bể trưng bày tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện
Chương trình MTQG xây dựng NTM 

Trong 5 năm qua, tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh đạt bình quân 10,5%/năm, vượt kế hoạch đề ra; năng suất lao động khu vực công nghiệp đạt 65 triệu đồng/lao động, bằng 114% năng suất chung cả tỉnh. Việc thu hút, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong nhiệm kỳ ước đạt trên 24.000 tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 10,7%/năm.

Trong nhiệm kỳ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), dự án cải tạo nâng cấp ĐT258B, ĐT254 được đầu tư hoàn thành. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.000 km đường giao thông, bao gồm 5 tuyến quốc lộ, 13 tuyến đường tỉnh, 67 tuyến đường huyện và 1.660 km đường xã, thôn bản. 100% số xã có điện lưới quốc gia. Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp và thủy sản.


Tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới

Khu vực dịch vụ tăng trưởng bình quân 6,3%/năm. Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều biến động lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến năm 2020 ước đạt 10 triệu USD, trong đó xuất khẩu tăng bình quân 67,29%/năm. Số khách du lịch đến Bắc Kạn đạt trên 2,4 triệu lượt người, bình quân hằng năm tăng 7,9%; doanh thu ngành du lịch đạt 1.636 tỷ đồng, tăng 76% so với giai đoạn 2011-2015.


Doanh thu ngành Du lịch tăng 76% so với giai đoạn 2011-2015

Hiệu quả sản xuất của các thành phần kinh tế được nâng lên, đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Riêng các hợp tác xã, đến nay toàn tỉnh đã có 202 hợp tác xã hoạt động với 1.809 thành viên.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đề ra mục tiêu, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-2,5%. Để đạt mục tiêu này, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo và công trình hạ tầng phục vụ chương trình giảm nghèo được đầu tư. Các chính sách giảm nghèo được tổ chức thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,46%/năm, đạt kế hoạch mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập xóa mù chữ mức độ 1. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường từ 3-5 tuổi đạt 99,6%, trẻ 5 tuổi đạt 99,8%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân trên 90%.

Toàn tỉnh có thêm 44 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu đề ra; có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú và 17 trường phổ thông dân tộc bán trú; hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập tại các đô thị đã có bước chuyển biến tích cực với 45 cơ sở, góp phần giảm đáng kể áp lực về biên chế và ngân sách; có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 45%.


Cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư xây dựng
(Ảnh: Trường Tiểu học Quân Hà, huyện Bạch Thông)

Hệ thống tổ chức và cơ sở vật chất ngành Y tế được quan tâm đầu tư, củng cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh (500 giường bệnh) được đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động. Toàn tỉnh có thêm 26 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, nâng tổng số xã đạt Bộ tiêu chí lên 113 xã. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng duy trì ở mức 17%, vượt kế hoạch đề ra. Đạt 17,5 bác sỹ/vạn dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%, vượt kế hoạch đề ra. Các bệnh viện đã triển khai được từ 70 đến 80% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn của Bộ Y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên.

Các hoạt động văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư. Đến năm 2020, có 88% hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, vượt kế hoạch 3%; 86% làng, bản, tổ dân phố được công nhận làng, bản, tổ dân phố văn hóa, vượt kế hoạch 14%; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Phong trào thể thao quần chúng phát triển sâu rộng với nhiều loại hình tập luyện. Tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên và gia đình thể thao trong tỉnh ngày càng tăng, đạt 32% dân số. Thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư với các môn chủ lực như Taekwondo, Điền kinh, Bắn cung, Boxing. Hằng năm, bình quân có 15 vận động viên đạt huy chương trong các giải toàn quốc, có 3 vận động viên đạt chuẩn kiện tướng và cấp I quốc gia.

Trong nhiệm kỳ, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững.

***

Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, khu vực và những diễn biến bất lợi của thời tiết, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19…, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Những kết quả đạt được trong 5 năm qua là tiền đề quan trọng để tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới./.

Hương Dịu