PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử
Mặc dù còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội nhưng thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) nhằm phục vụ Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Người dân, doanh nghiệp đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh

Để tạo nền tảng xây dựng CQĐT, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về công nghệ thông tin (CNTT), góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tăng năng suất, hiệu quả công việc. Đến nay, 100% các đơn vị có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, kết nối Internet băng thông rộng. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được trang bị đủ máy tính để làm việc. Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư một số thiết bị cần thiết như hệ thống tường lửa, phòng chống truy nhập trái phép, phần mềm diệt virus... Hệ thống mạng Viễn thông được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư, nhờ đó cơ bản đáp ứng nhu cầu của các cơ quan hành chính Nhà nước và người dân trong tỉnh.

Với nguồn cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động xây dựng CQĐT. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện có 9 điểm cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm. Hình thức này đã được phát huy tốt trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Xây dựng CQĐT đã làm thay đổi thói quen, phương thức làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng năng suất, hiệu quả công việc lên đáng kể. Hiện nay, trên 80% văn bản của tỉnh được gửi bản điện tử (thay thế cho bản giấy trước đây), nhờ đó, đã tiết kiệm kinh phí toàn tỉnh hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã và đang tạo ra bước phát triển mới trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Trung tâm đã triển khai ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Sau 5 năm triển khai (từ năm 2015 đến nay), ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, các ngành chức năng đã triển khai cấp 3.953 chữ ký số chuyên dùng. Việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thì việc điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử và ký số cá nhân đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó, tỉnh ta đã giảm thiểu sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo khoảng cách xã hội cần thiết trong phòng, chống dịch bệnh.  

Vừa qua, Chương trình Chuyển đổi số cũng đã được triển khai thí điểm tại xã Vi Hương (huyện Bạch Thông). Đây là xã đầu tiên trong cả nước được công bố Chuyển đổi số giai đoạn 1. Đến nay, Chương trình đã hoàn thành giai đoạn 1, giúp mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền và người dân của xã.

Cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, tỉnh cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT. Hiện nay, các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện đã có cán bộ chuyên trách hoặc phụ trách CNTT. Trung tâm CNTT và Truyền thông tỉnh có 12 viên chức trình độ CNTT từ Đại học trở lên. Các địa phương, đơn vị tăng cường đào tạo, tập huấn về kỹ năng ứng dụng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng CQĐT thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Nguồn nhân lực CNTT của tỉnh số lượng còn ít và chất lượng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa chủ động ứng dụng CNTT để thực thi công vụ, còn thiếu kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin trên mạng. Tỉnh chưa thu hút được các doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Tỷ lệ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn thấp, nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân do nhiều người dân chưa được tiếp cận với mạng Internet, kiến thức cũng như kỹ năng ứng dụng CNTT còn hạn chế, chưa hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính…

Trong thời gian tới, để phát triển CQĐT và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng thông tin. Đồng thời, tuyển chọn, bồi dưỡng những cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực về CNTT để tham mưu cho tỉnh phương án xây dựng CQĐT. Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từng bước hình thành Công dân điện tử. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân chuyển dần từ hình thức giao dịch trực tiếp sang ứng dụng CNTT để tiết kiệm thời gian đi lại cũng như chi phí khi thực hiện các giao dịch.

Cùng với đó, Bắc Kạn tiếp tục hoàn thiện các hệ thống nền tảng trong xây dựng CQĐT. Tập trung xây dựng hệ thống mạng WAN, Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng của tỉnh, triển khai ứng dụng CNTT phục vụ du lịch thông minh, hồ sơ sức khỏe điện tử... 

Việc chú trọng xây dựng CQĐT trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm đang là hướng đi mới của tỉnh để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền với Nhân dân một cách văn minh, hiện đại. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Ngọc Tú