PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/04/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 tăng bình quân từ 6 - 7%/năm trở lên
Nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững, Bắc Kạn đang nỗ lực triển khai các giải pháp để tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 tăng bình quân từ 6 - 7%/năm trở lên.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty Govina, Khu Công nghiệp Thanh Bình

Mục tiêu lớn

Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn xác định mục tiêu, định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa là nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển.

Bắc Kạn phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 tăng bình quân từ 6 - 7%/năm trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng bình quân 8%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 tăng bình quân 5 - 6%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt từ 45 triệu USD trở lên. Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao với khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông sản chế biến chiếm 10%.

Tỉnh tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có lợi thế về nguyên liệu, có giá trị gia tăng cao. Tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Xuất khẩu theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững

Trong giai đoạn tới, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đưa nhóm hàng công nghiệp chế biến trở thành động lực của xuất khẩu hàng hóa với tỷ trọng ngày càng tăng. Trục sản phẩm quốc gia tập trung phát triển 2 nhóm sản phẩm là gỗ, chế biến gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, viên gỗ nén, hạt gỗ, ván gỗ composite tổng hợp, tre ép khối, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần, giấy…) và dược liệu (tinh dầu hồi, quýt, quế, giảo cổ lam,...).


Tỉnh tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu
(Ảnh rừng trồng tại thành phố Bắc Kạn)

Trục sản phẩm địa phương tập trung phát triển các nhóm sản phẩm: Miến dong; quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam quýt, hồng, mận, mơ và chuối; chè; các sản phẩm từ nghệ (tinh bột, curcumin). Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu tập trung phát triển các nhóm sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị cao như: Rau, củ, quả; gạo. Các sản phẩm khoáng sản chế biến (kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat, thạch anh...).

Hiện nay, tỉnh đã có một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Cộng hòa Séc bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường các nước. Cùng với sự ra đời của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, đã tạo nhiều cơ hội, tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong đó có Bắc Kạn vào các nước đối tác, do vậy trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do trên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Đối với một số thị trường tiềm năng như thị trường châu Mỹ, tỉnh tiếp tục củng cố và mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Mỹ, đồng thời tận dụng có hiệu quả lộ trình cắt giảm thuế quan theo tinh thần Hiệp định CPTPP để mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường khác như Ca-na-đa và các thị trường các nước Nam Mỹ. Về mặt hàng hóa, tập trung xuất khẩu những nhóm hàng có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh như mặt hàng gỗ, nông sản chế biến.

Châu Âu là thị trường có dung lượng lớn, Hiệp định tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định tự do Việt Nam - Liên Minh kinh tế Á - Âu (EAEU) với trên 90% số dòng thuế được cắt giảm sẽ là cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, do vậy, Bắc Kạn duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Séc, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các nhóm mặt hàng nông sản chế biến, may mặc...

Tỉnh tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhằm giảm dần nhập siêu, giảm xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô, tăng cường xuất khẩu mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng nguyên liệu đầu vào xuất xứ trong nước. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng khoáng sản, nông sản chế biến, đồ gỗ, dược liệu...

Đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng nông sản chế biến, hoa quả sấy, dược liệu…

Tỉnh xác định đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Tỉnh cũng định hướng phát triển chủ thể tham gia xuất khẩu, trong đó củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Phát triển số lượng, thành phần doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô lớn. Ưu tiên phát triển doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước, trong tỉnh liên kết với người nông dân tạo sản phẩm xuất khẩu trong lĩnh vực nông sản.

Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu

Đối với nhập khẩu, tỉnh chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát việc nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu.

Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiếp thu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu.

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian, tăng tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.

Để thực hiện đạt mục tiêu Chiến lược đề ra, trước hết, tỉnh tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, đồng thời phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Cùng với đó là tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Nâng cao vai trò của Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.../.

Hương Lan