PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn quan tâm bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên
Với độ che phủ rừng cao nhất cả nước, chiếm 73,4%, cùng diện tích rừng đặc dụng, rừng tự nhiên lớn nên công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên được Bắc Kạn đặc biệt coi trọng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Diện tích rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được bảo vệ nên bảo tồn được đa dạng sinh học

Những năm qua, công tác bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng chủ động thực hiện. Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn.

Thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020, từ năm 2014, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã giao khoán cho 33 cộng đồng thôn nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng với tổng diện tích 9.250 ha/năm. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc đã giao khoán cho 6 cộng đồng thôn nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng với tổng diện tích 1.373 ha/năm. Thông qua việc thực hiện cam kết bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư vùng đệm, các thôn vùng đệm trong hai Khu bảo tồn được hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn/năm để hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình công cộng của thôn. Qua đó, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học trong các Khu bảo tồn đã dần đi vào ổn định, khuyến khích được cộng đồng dân cư thôn vùng đệm tích cực tham gia; tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép cơ bản đã được ngăn chặn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương và giảm các tác động tiêu cực đến các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trong giai đoạn 2013 - 2015, toàn tỉnh đã giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ theo kết quả nghiệm thu trên 135.900 lượt ha, đạt 99,91% kế hoạch.

Giai đoạn 2016 - 2020, diện tích đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng theo kết quả nghiệm thu là trên 410.600 lượt ha, đạt 99,80% kế hoạch.

Công tác khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ và tái sinh rừng tự nhiên được chú trọng thực hiện với mục tiêu bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng. Các địa phương đã thường xuyên kiểm tra, giám sát về thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ theo các nội dung quy định cụ thể trong hợp đồng đã được ký kết giữa với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn bản,… trong việc nhận khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Cùng với đó, nhiệm vụ của các hộ nhận khoán là tích cực tham gia tuyên truyền, vận động con em, người thân trong gia đình, dòng họ tại các thôn, bản nâng cao nhận thức về lợi ích của việc nhận khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng về mặt môi trường, bảo vệ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, đồng thời sẽ là nguồn thu ổn định, lâu dài cho cộng đồng thôn, bản và hộ gia đình.

Vì vậy, công tác giao khoán, khoanh nuôi bảo vệ và tái sinh rừng đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư sống gần rừng và đây được xem như là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc khôi phục lại rừng và tạo điều kiện thuận lợi cho rừng tự nhiên phát triển. Việc thực hiện giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên trong thời gian qua đã hạn chế được nạn chặt phá rừng trái phép, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng trên các diện tích được giao khoán, đồng thời nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích họ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng.

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác khoán bảo vệ và khoanh nuôi rừng trong giai đoạn tới, Bắc Kạn tiếp tục các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp hơn, giúp đảm bảo đời sống cho các hộ dân và cộng đồng dân cư để thực hiện quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng được tốt hơn./.

Hương Lan