PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/05/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực, giải pháp đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trường Cao đẳng Bắc Kạn là cơ sở giáo dục nghề nghiệp duy nhất của tỉnh triển khai đào tạo đa ngành, nghề theo 3 cấp trình độ là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Trường có các phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thực tập, nghiên cứu cơ bản đáp ứng quy mô đào tạo từ 1.800 - 2.500 học sinh, sinh viên. Hiện nhà trường đã ký kết hợp tác với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong hợp tác đào tạo, tuyển dụng nguồn lao động.

Sinh viên lớp Điện Công nghiệp Trường Cao đẳng Bắc Kạn trong giờ thực hành

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên theo dõi, nắm bắt nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp để định hướng đào tạo, đảm bảo học viên ra trường có thể làm tốt công việc ngay. Trường đào tạo nhiều ngành nghề theo nhu cầu xã hội, bao gồm các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp như công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ ô tô, điện, hàn, kỹ thuật xây dựng cùng các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp như thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật…

Hiện nay, xu thế thị trường lao động tại Nhật Bản giảm dần số lao động phổ thông, vì vậy, người lao động muốn làm việc lâu dài cần phải qua đào tạo. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tiềm năng đó, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã phối hợp với Công ty TNHH Phát triển nhân lực Việt Anh tổ chức khai giảng lớp đào tạo tiếng Nhật Bản dành cho sinh viên cao đẳng tham gia chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật Bản khóa 1. Chương trình xuất khẩu kỹ sư sang làm việc tại Nhật Bản gồm các nghề: Cơ khí, điện, kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng trọt và xây dựng với nhiều ưu đãi, chi phí thấp, được Công ty TNHH Phát triển nhân lực Việt Anh hỗ trợ vốn vay, làm việc thu nhập cao và lâu dài tại Nhật Bản. Học sinh, sinh viên sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này phải có trình độ nghề và tiếng Nhật Bản đáp ứng yêu cầu thông qua thi tuyển, phỏng vấn trực tiếp.

Mới đây, Trường Cao đẳng Bắc Kạn tổ chức tổng kết khoá đào tạo hệ cao đẳng liên thông nghề Khoa học cây trồng, Công nghệ ô tô và trung cấp nghề Chăn nuôi - Thú y. Nhà trường đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp, phối hợp đào tạo các mô đun chuyên ngành gắn với thực hành, thực tập sản xuất tại doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng tay nghề, chú trọng phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Ngoài các phương pháp kiểm tra, đánh giá, nhà trường coi trọng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy và học thông qua thực tiễn gắn với thực hành, thực tập sản xuất tại doanh nghiệp và đánh giá kết quả học tập theo hình thức báo cáo thực tập và giao đề tài khóa luận tốt nghiệp đảm bảo đúng quy định. Học sinh, sinh viên của trường sau khi được đào tạo đa số đã có việc làm ổn định tại địa phương, các công ty, doanh nghiệp và xuất khẩu lao động…

Hiện nay, toàn tỉnh có 19 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 1 trường cao đẳng, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 3 doanh nghiệp và 3 cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước khẳng định được vị thế và uy tín trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động, tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cần. Qua đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn được nguồn nhân lực ngay từ đầu vào và kiểm soát chương trình, nội dung đào tạo bảo đảm chất lượng theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.

Các nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh, trong đó tập trung vào đối tượng học sinh các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các hoạt động truyền thông, tư vấn định hướng nghề nghiệp qua nhiều hình thức khác nhau như tư vấn trực tiếp học sinh, qua phụ huynh học sinh, phát thông báo tuyển sinh trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh... Mỗi năm, tỉnh đã tuyên truyền, tư vấn việc làm cho 3.000 học sinh tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn và trên 500 lượt phụ huynh, giáo viên các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông được nghe tư vấn.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cả nước nói chung và Bắc Kạn nói riêng vẫn còn đang thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chí của nhà tuyển dụng về trình độ, kỹ năng, tay nghề… Theo thống kê, hiện tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của tỉnh còn cao, chiếm 45%; thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật giỏi, khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh của lao động còn yếu, năng suất lao động chưa cao; xuất khẩu lao động ra nước ngoài kết quả còn hạn chế.

Để giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu tổng quát là phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Phấn đấu đến năm 2025, đảm bảo quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh; chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50% trở lên.

Có thể nói, thị trường lao động trong và ngoài nước hiện nay rất rộng mở, tuy nhiên, lao động muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao bắt buộc phải được đào tạo, có trình độ. Lao động giản đơn sẽ ngày càng yếu thế, vì vậy, công tác đào tạo nghề muốn phát huy hiệu quả cần gắn với nhu cầu xã hội để học viên sau học nghề có việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững./.

Thu Trang