PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/12/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn quyết tâm cùng cả nước hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chiến lược này đã nêu rõ “HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, có trên 100.000 người nhiễm HIV đã tử vong, 100% tỉnh, thành phố và 98% số quận, huyện đã phát hiện người nhiễm HIV”.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

HIV/AIDS được xem là một đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử dịch bệnh của nhân loại. Từ những ca nhiễm đầu tiên biết được tại nước Mỹ vào năm 1981, dịch bệnh HIV/AIDS đã được ghi nhận ở hầu hết các vùng miền, các quốc gia. Tại Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12/1990, sau đó, HIV/AIDS đã phát triển khá nhanh và có mặt ở tất cả các khu vực. Qua 40 năm đấu tranh với dịch HIV/AIDS, dù ngày nay thế giới đã có rất nhiều tiến bộ trong việc dự phòng, điều trị, chăm sóc hỗ trợ cho người có nhu cầu nhưng việc ngăn chặn tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS trên toàn cầu vẫn cần nhiều nỗ lực.

Tại tỉnh Bắc Kạn, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được ghi nhận vào năm 1997 tại thành phố Bắc Kạn. Sau hơn 15 năm, dịch HIV/AIDS đã lan rộng ra khắp 8/8 huyện thành phố và hiện có 100/108 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Tính đến ngày 15/9/2020, toàn tỉnh có 2.012 người nhiễm HIV, số chuyển AIDS là 1.749 trường hợp, số người đã tử vong do AIDS là 1.084, hiện có 928 người nhiễm HIV/AIDS đang quản lý tại các huyện cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Theo báo cáo đánh giá tình hình nhiễm HIV/100.000 dân của Cục Phòng, chống HIV/AIDS năm 2018, tỉnh Bắc Kạn có tỷ lệ 282 người nhiễm HIV/100.000 dân, xếp thứ 47 trên toàn quốc.

Qua 30 năm thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh Bắc Kạn đã cùng cả nước đạt được nhiều thành quả, thực hiện đạt các chỉ tiêu quan trọng về giảm số mắc mới, giảm số tử vong do HIV/AIDS và giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong nhiều năm liên tục.

Có được thành quả này là do có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sau khi có Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Chính quyền các cấp đã thể hiện rõ vai trò trách nhiệm và nỗ lực trong chỉ đạo thực hiện. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS có nhiều đổi mới hiệu quả về nội dung, hình thức, phương pháp..., góp phần tạo nhận thức đúng đắn về đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng. Đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS được nâng cao về trách nhiệm xã hội và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cùng với đó là sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, của cộng đồng, đặc biệt là sự hỗ trợ của các dự án Quốc tế triển khai trên địa bàn tỉnh như Trung tâm Nâng cao Sức khỏe cộng đồng (CHP), Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED), Childfund, Dự án Phòng, chống HIV/AIDS, Quỹ toàn cầu…, đã tạo được nhiều thành quả tích cực.

Ban Chỉ đạo Phòng chống HIV/AIDS và Phòng chống tệ nạn, ma túy, mại dâm của tỉnh thường xuyên được kiện toàn; 8/8 huyện, thành phố có Ban Chỉ đạo Phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn, ma túy, mại dâm; 108 xã, phường có Ban Chỉ đạo Phòng chống HIV/AIDS. Hằng năm, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống HIV/AIDS đều được tham gia các khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý.


Đơn vị y tế cơ sở thực hiện chăm sóc và điều trị ARV từ Quỹ BHYT giúp người nhiễm HIV trên địa bàn

Hiện toàn tỉnh đã có 10 đơn vị y tế tham gia hoạt động tư vấn, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. 100% các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã thực hiện khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế. Thông qua các dịch vụ y tế xã hội, bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị nhiễm trùng cơ hội, điều trị thuốc kháng virus HIV, tiếp cận các dịch vụ vay vốn, tạo việc làm thông qua sự hỗ trợ của các dự án, các tổ chức Phi Chính phủ.

Thực hiện Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hằng năm, tỉnh đều xây dựng kế hoạch và triển khai Tháng cao điểm cho hoạt động này (01/6 - 30/6). Trong 15 năm qua, trên toàn tỉnh đã tiến hành tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, trước khi sinh điều trị 100% cho các bà mẹ và trẻ sinh ra từ phụ nữ nhiễm HIV. Kết quả, 100% số trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị đúng và sớm đều có kết quả âm tính. Điều này cho thấy, hiệu quả của Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được đầu tư, triển khai sâu rộng.

Mặc dù đã thu được những kết quả nhất định, song công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Bắc Kạn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhận thức và hiểu biết về cách phòng, chống HIV/AIDS của Nhân dân còn hạn chế; vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bị nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nặng nề trong cộng đồng và xã hội. Việc xã hội hoá công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa đạt yêu cầu nên chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do vậy, việc khống chế, kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên và thiếu tính đồng bộ. Nhiều địa phương, đơn vị vẫn coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ của ngành Y tế, chưa huy động mọi nguồn lực tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Để đạt được mục tiêu cùng cả nước chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, tỉnh Bắc Kạn xác định cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để duy trì, phát huy thành quả trong bối cảnh nhiều bệnh dịch nguy hiểm mới nổi đang đe dọa sức khỏe cộng đồng hiện nay; tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu 90-90-90 mà ở đó, sự duy trì và phát huy tính ưu việt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, các địa phương sẽ mang tính quyết định nhằm chung tay thực hiện mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.

Thu Trang