PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển bền vững cây dong riềng và sản phẩm miến dong của địa phương
Cây dong riềng được tỉnh Bắc Kạn xác định là một trong những cây trồng thế mạnh và sản phẩm miến dong là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trước thực trạng sản xuất hiện nay khiến sản phẩm miến dong địa phương có nguy cơ mất thương hiệu, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển bền vững cây dong riềng và sản phẩm miến dong.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cây dong riềng mở lối thoát nghèo

Dong riềng là cây trồng bản địa, được người dân tỉnh Bắc Kạn trồng từ lâu để chế biến ra sản phẩm miến dong. Diện tích trồng dong riềng của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện Na Rì, Ba Bể, một số ít diện tích tại các huyện Bạch Thông, Chợ Mới. Cây dong riềng được đánh giá có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, là cây trồng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cho người dân. 

Năm 2013, anh Đặng Phụ Phin ở thôn Phiêng Chỉ, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể bắt đầu trồng cây dong riềng, đồng thời đầu tư máy sơ chế tinh bột dong riềng tại thôn Phiêng Chỉ. Nhờ trồng dong riềng mà gia đình anh mua được căn nhà gỗ khi tách khẩu, mua được thêm ruộng để mở rộng sản xuất, đầu tư máy xúc cho thuê để tăng thu nhập, có điều kiện cho các con đến trường học.

Anh Phin cho biết, cái duyên cây dong riềng phát triển ở Phiêng Chỉ là khi người dân trong thôn thấy cây dong riềng được phát triển mạnh tại thôn Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã mua giống tại thôn Phia Đén đem về trồng tại Phiêng Chỉ. Đến nay, toàn thôn Phiêng Chỉ có khoảng 30 ha dong riềng; do đường giao thông không thuận lợi, khó khăn trong khâu vận chuyển củ dong nên các hộ dân đều chế biến củ dong bán tinh bột.

Anh Đặng Phụ Phin cho biết thêm, so với cây trồng khác như ngô, lúa thì cây dong riềng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Nhờ trồng cây dong riềng, anh mới mua được nền nhà có sẵn căn nhà gỗ 115 triệu; khi góp vốn hơn 400 triệu mua máy xúc thì phần lớn cũng là tiền bán tinh bột dong riềng. Với gần 1,5 ha dong riềng, năm 2021 anh thu được 9 tấn tinh bột dong ướt, bán được trên 140 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ dong riềng nên năm 2021, anh mua thêm được3 thửa ruộng bậc thang nhưng không trồng lúa mà mở rộng diện tích trồng dong riềng; vụ dong riềng này anh trồng 2 ha, dự kiến thu được khoảng 12 tấn tinh bột ướt.

Dong riềng được trồng và đang phát triển tốt tại thôn Phiêng Chỉ, xã Phúc Lộc

Tại xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể), cây dong riềng được trồng chủ yếu tại 5 thôn vùng cao Nà Ma, Phiêng Chỉ, Phja Phạ, Cốc Muồi, Cốc Diển và đang trở thành cây trồng đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con. Những năm 2017 - 2018, giá bột dong riềng tăng cao, nhiều hộ dân có thu nhập 400 - 500 triệu đồng từ trồng dong riềng và mua được đất để chuyển nhà từ trên núi xuống ở trung tâm xã.

Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc Nông Văn Nhược, so với cây lúa, ngô, những năm gần đây, cây dong riềng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần và đang trở thành cây trồng thế mạnh của xã. Chính vì vậy, năm 2022, toàn xã trồng được 95,7 ha dong riềng, tăng 30 ha so với năm 2021; toàn xã hiện có 39 hộ chế biến tinh bột dong riềng.

Với tiềm năng, lợi thế về đất, điều kiện khí hậu để phát triển cây dong riềng, UBND tỉnh đã lựa chọn cây dong riềng là một trong những cây trồng chính và sản phẩm miến dong là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Mục tiêu phát triển diện tích dong riềng và chế biến sản phẩm dong riềng giai đoạn 2020 - 2025 đã được xác định trong Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035 và cụ thể hóa bằng Kế hoạch phát triển chế biến sản phẩm chè và miến dong trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2020 - 2025.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu diện tích trồng dong riềng ổn định 800 - 1.000 ha/năm, sản lượng đạt 59.000 tấn. Toàn bộ củ tươi chế thành tinh bột sẽ là 8.000 tấn tinh bột, sản xuất 4.800 tấn miến thành phẩm. Diện tích đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là 800 ha và có nhãn mác bao bì sản phẩm miến dong, trong đó, diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ là 240 ha và truy xuất được nguồn gốc. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá và giới thiệu sản phẩm miến dong Bắc Kạn, xây dựng thành công thương hiệu miến dong Bắc Kạn.

Hiện nay, sản phẩm miến dong của tỉnh Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý. Toàn tỉnh đã có 9 sản phẩm miến dong được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong có sản phẩm miến dong Tài Hoan của Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì được công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia (5 sao); miến dong Tài Hoan cùng miến dong Nhất Thiện (Ba Bể) được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Miến dong Bắc Kạn được thị trường trong nước tiêu thụ mạnh và bước đầu đã có miến dong Tài Hoan đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Các sản phẩm miến dong của tỉnh đang được tiêu thụ tốt trên thị trường với giá cả ổn định, từng bước khẳng định được thương hiệu miến dong Bắc Kạn.

Giảm dần diện tích trồng và nguy cơ mất thương hiệu

Mặc dù được tỉnh quan tâm chỉ đạo phát triển, sản phẩm miến dong của tỉnh đang được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh nhưng diện tích trồng dong riềng của tỉnh hằng năm không đạt kế hoạch; các cơ sở chế biến miến dong chưa được củng cố, phát triển.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, diện tích trồng dong riềng hằng năm ổn định 800 - 1.000 ha. Tuy nhiên, từ năm 2020 - 2022, các địa phương thực hiện diện tích cây dong riềng đều không đạt kế hoạch giao, bình quân hằng năm mới đạt 58,5% so với mục tiêu đề ra. Năm 2022, toàn tỉnh mới thực hiện được 445 ha, đạt 84% kế hoạch, sản lượng ước đạt 33.896 tấn.

Khâu đóng gói bao bì sản phẩm tại Cơ sở sản xuất Miến dong Nhất Thiện

Hiện nay, toàn tỉnh có 25 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 16 cơ sở vừa chế biến tinh bột vừa sản xuất miến, 8 cơ sở chuyên sản xuất miến (có 4 cơ sở chế biến đạt công suất trên 80 tấn miến dong/năm), 1 cơ sở chuyên sản xuất tinh bột. Năm 2021, sản lượng miến sản xuất đạt 2.585 tấn, bằng 53,85% so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025. Các cơ sở sản xuất miến tiêu thụ được 73% lượng tinh bột, 22% lượng tinh bột dong phải bán ra thị trường ngoài tỉnh (chủ yếu của huyện Na Rì), lượng tinh bột còn dư 5% (tại huyện Ba Bể). Dự kiến năm 2022, sản lượng miến dự kiến sản xuất là 2.536 tấn, đạt 52,83% so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025; các cơ sở sản xuất miến tiêu thụ được 78% lượng tinh bột, 19% lượng tinh bột dong phải bán ra thị trường ngoài tỉnh (tại huyện Na Rì), lượng tinh bột còn dư 3% (của huyện Ba Bể).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa, qua đánh giá thực trạng sản xuất từ năm 2020 đến nay, diện tích trồng cây dong riềng đều không đạt kế hoạch giao và đang giảm dần qua từng năm; năm 2020, 2021 đạt 93% kế hoạch, năm 2022 đạt 84% kế hoạch. Diện tích trồng cây dong riềng giảm qua các năm là do nhiều nguyên nhân như: Giá phân bón tăng cao; thiếu lao động nông nghiệp do lao động đi làm tại các công ty, doanh nghiệp; giá bán củ dong riềng thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng; quá trình canh tác chưa thực sự có sự chỉ đạo, vào cuộc của cơ quan chuyên môn dẫn đến người dân chưa thâm canh trong sản xuất; phụ phẩm cây dong riềng chưa được xử lý để tạo phân hữu cơ cải tạo đất; một số địa phương lơ là, thiếu sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo mục tiêu phát triển cây dong riềng và sản xuất miến dong, từ đó, sự liên kết giữa người trồng dong riềng và chế biến miến dong không chặt chẽ, ổn định, thiếu sự hài hòa về lợi ích giữa người sản xuất miến dong và người trồng dong (do giá dong riềng nguyên liệu thu mua thấp)... Chế biến miến dong bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, đa số các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn tỉnh còn sản xuất nhỏ lẻ, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng hệ thống máy móc tự động hóa, công nghệ còn hạn chế; các sản phẩm miến dong chưa được nâng cấp, chưa phân khúc được thị trường để tạo các sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao... Tồn tại, hạn chế trong sản xuất dong riềng và sản phẩm miến dong dẫn đến nguy cơ làm mất thương hiệu và giảm diện tích, sản lượng, giá trị củ dong và miến dong.

Phát triển bền vững cây dong riềng và giữ vững thương hiệu miến dong của Bắc Kạn

HTX Tài Hoan tại xã Côn Minh, huyện Na Rì được thành lập năm 2018 nhằm phát triển nghề sản xuất miến dong truyền thống của gia đình. Từ khi thành lập đến nay, HTX Tài Hoan luôn ổn định vùng nguyên liệu sản xuất, hằng năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 300 tấn miến dong, đặc biệt Miến dong Tài Hoan đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đến nay, HTX có vùng nguyên liệu ổn định 70 ha được ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với 500 hộ dân tộc thiểu số.

Kết quả phát triển sản xuất của HTX Tài Hoan hiện nay là minh chứng cho thấy để phát triển sản xuất bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất và người dân để có được vùng nguyên liệu ổn định; chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với HTX phát huy hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình trao chứng nhận sản phẩm Miến dong Tài Hoan đạt OCOP 5 sao (cấp quốc gia) cho HTX Tài Hoan tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM
và Đề án OCOP năm 2021

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, trong các nguyên nhân khiến cho diện tích dong riềng của tỉnh đang giảm dần có 2 nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất là giá dong riềng nguyên liệu quá thấp và trong quá trình canh tác cây dong riềng, chưa có sự chỉ đạo, vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, để người dân sản xuất theo truyền thống dẫn đến hệ quả cuối cùng là thu nhập của người dân trồng dong riềng thấp, người dân trồng dong riềng chuyển sang trồng loại cây trồng khác đem lại thu nhập cao hơn.

Thứ hai là các nhà máy chế biến đang dậm chân tại chỗ, trong thời gian qua, các cơ sở chế biến cơ bản không được củng cố do đa số các HTX sản xuất miến dong quá nhỏ không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ nên không phát triển được; các cơ sở chế biến chưa nâng cấp được sản phẩm, phân khúc được khách hàng để nâng cao giá trị sản phẩm miến dong và cây dong riềng.

Chính vì vậy, để phát triển bền vững cây dong riềng và sản phẩm miến dong của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng hệ thống các giải pháp kỹ thuật để khắc phục hạn chế trong phát triển các diện tích trồng dong riềng (tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh, bón phân, quản lý dịch hại, xác định vùng trồng để phát triển đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ....) khôi phục vùng trồng dong riềng đảm bảo phát triển theo mục tiêu giao tại Kế hoạch số 775/KH-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, ngành Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu các giải pháp khôi phục, củng cố hệ thống các cơ sở chế biến miến dong; hướng dẫn, định hướng các cơ sở chế biến tùy theo năng lực của từng cơ sở để hình thành làng nghề, đưa vào cụm công nghiệp, mở rộng sản xuất phù hợp; hướng dẫn các cơ sở sản xuất miến dong nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, phân khúc sản phẩm, khách hàng để nâng cao giá trị sản phẩm mở rộng thị trường, phát huy chỉ dẫn địa lý sản phẩm dong riềng đã được công nhận. Cùng với đó, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hút, kêu gọi nhà đầu tư tham gia liên kết mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ nhằm gia tăng giá trị mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm miến dong Bắc Kạn, đưa lĩnh vực chế biến miến dong vào danh mục thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Kạn.

Để đảm bảo chất lượng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm miến dong Bắc Kạn, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường tinh bột dong riềng và miến dong trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm xây dựng kế hoạch/chương trình để khai thác, phát huy lợi thế chỉ dẫn địa lý sản phẩm miến dong Bắc Kạn.

UBND các huyện, đặc biệt là UBND huyện Ba Bể và UBND huyện Na Rì quan tâm chỉ đạo giữ vững vùng nguyên liệu dong riềng; hướng dẫn các cơ sở chế biến miến dong phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá trị sản phẩm; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn.

Để phát triển bền vững, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn tỉnh cần quan tâm phát triển vùng nguyên liệu, cân bằng lợi ích giữa cơ sở chế biến miến dong và người dân trồng dong riềng, đảm bảo có vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài./.

Hương Dịu