PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/10/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên
Qua 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam và Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020, các mục tiêu, yêu cầu đề ra đã cơ bản hoàn thành.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Toàn tỉnh hiện có gần 82.700 thanh niên, chiếm 26% dân số và trên 40% tổng số lao động của địa phương, trong đó thanh niên nông thôn chiếm gần 70%. Để Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam được triển khai có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 18/5/2012; Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên ban hành Kế hoạch số 455/KH-BCĐ ngày 26/12/2012 về triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020.

Kế hoạch đã xác định 6 chương trình cụ thể cùng với các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện theo giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, đồng thời phân công các sở, ngành và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh phối hợp thực hiện. Hằng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình thành lập đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị.

Thực hiện mục tiêu tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên, các cấp, ngành đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tập trung đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên, thành lập câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” để việc tuyên truyền được sâu rộng trong thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật về tín dụng đen; tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm. Bên cạnh đó, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh được quán triệt kịp thời các văn bản pháp luật khác thông qua các buổi họp, sinh hoạt hằng tháng.

Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng trẻ cũng được các ngành quan tâm. Các cơ quan, ban, ngành đều tiến hành xây dựng quy hoạch đào tạo bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức trong đơn vị, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao. Tùy theo năng lực, sở trường mà các đơn vị tổ chức sắp xếp, bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thế hệ trẻ cống hiến, trưởng thành.

Trong 10 năm qua, có trên 400 cán bộ trẻ tham gia các khoá đào tạo sau đại học, trên 300 cán bộ trẻ được tham gia học các lớp cao cấp lý luận chính trị, góp phần bổ sung nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho địa phương. Tỉnh đoàn đã làm tốt công tác bình chọn, giới thiệu trên 300 gương mặt tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác để đề nghị Trung ương Đoàn trao tặng các giải thưởng như: Giải thưởng Nguyễn Thái Bình, Sao Tháng Giêng, Trần Văn Ơn, Lý Tự Trọng, Lương Định Của, học bổng Đoremon, Cánh én hồng, giải thưởng Kim Đồng, Vừ A Dính…

Trong giai đoạn 2011-2020, các huyện đã xét chọn được 149 thanh niên vào diện cán bộ quy hoạch dài hạn, trong đó khối đảng, đoàn thể, chính quyền là 25 thanh niên; khối xã, thị trấn là 124 thanh niên; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ trẻ, trí thức trẻ 30a, đội viên dự án 600 phó chủ tịch, đội viên đề án 500 trí thức trẻ được 17 lớp với 1.459 lượt người tham gia.

Xác định nhiệm vụ phát triển thanh niên gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác lao động, giải quyết việc làm và tạo điều kiện để thanh niên phát triển kinh tế, chinh phục khát vọng làm giàu. Đến 30/6/2020, dư nợ cho thanh niên vay phát triển kinh tế là 509 tỷ đồng, 100% Đoàn Thanh niên cấp xã tham gia quản lý các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn được ủy quyền quản lý nguồn vốn giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn với số tiền 1,9 tỷ đồng, từ năm 2011 đến nay, đã triển khai cho vay đối với 58 dự án vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho 248 lao động.

Nhằm định hướng cho ĐVTN khởi nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), Tỉnh đoàn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức 12 lớp tập huấn kiến thức phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác cho trên 500 ĐVTN; định hướng, hỗ trợ, tư vấn thanh niên nông thôn làm kinh tế; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, xây dựng các mô hình liên kết làm kinh tế giỏi. Hiện nay, toàn tỉnh có 205 mô hình kinh tế của thanh niên, 33 tổ hợp tác, 25 hợp tác xã do thanh niên làm chủ, tích cực góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn còn phối hợp tổ chức các diễn đàn: “Thanh niên khởi nghiệp”, “Kết nối thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp”, “Thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp từ đề án OCOP” với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các chuyên gia về khởi nghiệp và trên 1.000 đoàn viên, hội viên, thanh niên trong tỉnh; duy trì nhóm facebook “Kết nối thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp” với gần 20.000 thành viên tham gia, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến ĐVTN.


Đoàn Thanh niên phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho ĐVTN huyện Pác Nặm

Trong 10 năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 50.870 người lao động trong độ tuổi thanh niên; đào tạo nghề cho trên 44.920 thanh niên trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh tuyển mới và đào tạo được 3.421 học sinh trình độ trung cấp; 768 sinh viên trình độ cao đẳng; tăng tỷ lệ thời gian lao động của thanh niên ở nông thôn lên 80%. Nhằm hỗ trợ thanh niên nông thôn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các cấp bộ đoàn phối hợp tổ chức được 250 lớp tập huấn về chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 10.000 ĐVTN; phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ được 332 lớp đào tạo nghề, với 9.584 lượt thanh niên trong độ tuổi lao động tham gia, qua đó kịp thời cung cấp kiến thức về cách thức trồng, chăm sóc một số cây, con thế mạnh của địa phương, góp phần đem lại thu nhập ổn định.  

Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí của thanh niên, xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, thành lập các câu lạc bộ. Các câu lạc bộ thể dục, thể thao luôn là những điểm quy tụ thanh niên đến sinh hoạt và hình thành đội tuyển để tham dự các giải thể thao phong trào của tỉnh và toàn quốc, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện tài năng trẻ.

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng có những bài học được rút ra đó là, các cấp bộ Đoàn cần chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, đề xuất hỗ trợ thanh niên phát triển toàn diện; cần tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các đơn vị; làm tốt công tác xã hội hóa và tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ cho các hoạt động của thanh niên. Bước sang giai đoạn mới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình, Chiến lược phát triển thanh niên ngày càng có chiều sâu hơn nữa để hướng tới mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Bắc Kạn trong thời kỳ mới có trình độ, kỹ năng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm./.

Thu Trang