PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/08/2019
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37-NQ/TW), các lĩnh vực của tỉnh Bắc Kạn phát triển khá toàn diện và có chuyển biến tích cực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37-NQ/TW), các lĩnh vực của tỉnh Bắc Kạn phát triển khá toàn diện và có chuyển biến tích cực.

Tại tỉnh Bắc Kạn, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn của Trung ương đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các lĩnh vực của tỉnh phát triển khá toàn diện và có chuyển biến tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2004 - 2018 đạt bình quân 8,78%/năm. Đến năm 2018, quy mô nền kinh tế tăng hơn 11 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,4 triệu đồng/năm, tăng 9,5 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từ nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp sang cơ cấu dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân 15 năm qua đạt 17,8%/năm; thu ngân sách năm 2018 đạt 664 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với năm 2004.

Khu vực nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện. Tỉnh đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây lương thực sang trồng cây ăn quả, cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và đã hình thành một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc sản có giá trị như chè tuyết, cam, quýt, miến dong…Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự phát triển sản xuất theo hướng gia trại, trang trại tập trung theo chuỗi. Từ năm 2004 đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã trồng được hơn 103ha rừng, nâng độ che phủ rừng từ 53% lên 72,6% và là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả tỉnh đạt 10,8 tiêu chí/xã.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngành công nghiệp đã có tăng trưởng nhất định với tốc độ bình quân đạt gần 4,4%/năm. Công nghiệp được ưu tiên tập trung vào khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, thủy điện, chế biến nông lâm sản, góp phần quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách,tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tỉnh cũng đã xây dựng được 01 khu công nghiệp với diện tích 73,5ha và hiện đang có 06 dự án đầu tư hoạt động sản xuất.

Trong giai đoạn 2004 - 2018, lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 03 khu vực kinh tế với tốc độ tăng trường bình quân đạt 11,5%/năm. Du lịch được quan tâm phát triển, tập trung đầu tư khai thác, phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch về nguồn, du lịch lễ hội… Giai đoạn 2004 - 2018, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt gần 3,3 triệu lượt khách. Riêng năm 2018 đạt 484 nghìn lượt, tăng 11,2 lần so với năm 2004.

Công tác thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong giai đoạn 2004 - 2018, tỉnh đã thu hút 155 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 16.800 tỷ đồng.

Từ năm 2004 - 2018, mạng lưới giao thông toàn tỉnh phát triển được 3.000km đường

15 năm qua, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng với tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 38.000 tỷ đồng. Cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều thay đổi. Mạng lưới giao thông toàn tỉnh phát triển được 3.000km đường; 100% số xã có đường ô tô đến được trung tâm xã. Hệ thống cung cấp nước sạch, điện được quan tâm đầu tư; đến nay, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5%, tăng 45,5% so với năm 2004; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,3%.

Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống các cơ sở y tế được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và từng bước phát huy hiệu quả. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội được quan tâm. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 21,88%. Giai đoạn 2004 - 2018, đã giải quyết việc làm cho 83.581 lao động. Đến nay, 100% số hộ gia đình chính sách có nhà ở ổn định theo quy định; số hộ có nhà tranh tre dột nát giảm xuống còn 3,1%; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ, người có công; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng. Các cuộc diễn tập phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, diễn tập chiến đấu trị an xã, phường, thị trấn đều đạt khá, giỏi. Giai đoạn 2004 - 2018, tỷ lệ điều tra, khám phá án hằng năm đều đạt trên 85%. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, hệ thống chính trị của tỉnh không ngừng được củng cố, vững mạnh vệ mọi mặt. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới, công tác giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được coi trọng. Việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp các cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số được nâng lên; việc đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định, dân chủ, khách quan. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt việc thăm nắm tình hình cơ sở, tổ chức các phong trào thi đua, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị địa phương, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Đánh giá về kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, đồng chí Nguyễn Văn Du - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã khẳng định: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, công tác thể chế hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ, sát với tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển khá toàn diện; quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Những kết quả đạt được là cơ sở, là động lực để Đảng bộ phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng phát triển, quy mô nền kinh tế còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực; tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; đời sống của nhân dân khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn…/.

Hương Dịu