Độ tương phản
Buổi tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã... để lắng nghe đóng góp, kiến nghị về những chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Qua đó, khẳng định vị thế, vai trò của kinh tế tư nhân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Dự buổi tọa đàm tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Mở đầu buổi tọa đàm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 30/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; có nhiệm vụ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra; làm việc theo chế độ kiêm nhiệm theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất. Bộ Tài chính được giao làm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận khẳng định, qua 40 năm đổi mới, KTTN đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, khẳng định vị thế: (1) Là một động lực quan trọng của nền kinh tế; (2) là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; (3) Góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; (4) Tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; (5) Thúc đẩy hội nhập quốc tế; (6) Đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Tuy nhiên, KTTN hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Để tháo gỡ rào cản, phát huy tối đa tiềm lực đưa KTTN phát triển trở thành một động lực quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu trong thời gian ngắn (2 tháng) đã trình Chính phủ tham mưu: (1) Trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân; (2) Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; (3) Ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội.
Nghị quyết 68/NQ-TW được ban hành được cả hệ thống chính trị, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh hồ hởi đón nhận, xem đây là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế" cho KTTN, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy KTTN vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước.
Nghị quyết 68/NQ-TW đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị mà Tổng bí thư đã kết luận là "Bộ tứ trụ cột".
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn hiện nay, sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW có thể coi là bước ngoặt định hướng cho KTTN phát triển trong 20 năm tới. Để đạt được mục tiêu như Nghị quyết đã đề ra, cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức và các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
Buổi tọa đàm đã có 14 ý kiến của đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà quản lý, nhà khoa học. Các ý kiến bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi vừa ban hành nhiều cơ chế chính sách mở đường, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn và tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Các ý kiến đã thảo luận, đề xuất các giải pháp để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đạt mục tiêu Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra; trong đó tập trung vào giải pháp về nâng cao chất lượng thể chế, chính sách.
Kết luận buổi tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các đại biểu đã thể hiện quyết tâm thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước trở thành sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được để báo cáo Nhân dân với tinh thần "đã nói là làm". Thủ tướng khái quát nội dung các ý kiến phát biểu của các đại biểu trong 6 nội dung lớn:
(1) Tất cả các đại biểu, doanh nghiệp đều thể hiện lòng yêu nước mạnh mẽ, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển, nhanh, bền vững của đất nước, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng, Nhà nước giao, đồng thời tâm lý lo, sợ rủi ro về pháp lý cũng được cởi bỏ.
(2) Các doanh nghiệp, doanh nhân muốn khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mình trong thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, thể hiện sự lạc quan, tin tưởng, góp phần cùng Chính phủ kiến tạo sự phát triển.
(3) Doanh nghiệp, doanh nhân sẽ góp phần tích cực để hiện thực hóa 2 mục tiêu chiến lược 100 năm của Đảng, Nhà nước ta; thể hiện quyết tâm, khẳng định chúng ta nếu có cách làm hay, tổ chức tốt thì có thể đạt tăng trưởng GDP từ 8% trong năm nay và 2 con số trong những năm tiếp theo; với quyết tâm và tin tưởng chắc chắn sẽ làm được.
(4) Các doanh nghiệp, doanh nhân đều mong muốn Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã tin yêu rồi thì tin yêu nhiều hơn nữa, đã giao nhiệm vụ rồi thì muốn được giao nhiều nhiệm vụ hơn nữa, nhiệm vụ cao cả, nặng nề hơn để doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện tính tiên phong của mình trong phục vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững; và cũng để doanh nghiệp trưởng thành, tiến bộ hơn, khẳng định sự lớn mạnh của mình trong quá trình phát triển.
(5) Các doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, xử lý các đề xuất của doanh nghiệp có lộ trình, có thời gian chứ không kéo dài, không để doanh nghiệp mơ hồ không biết lúc nào được trả lời, được giải quyết.
(6) Có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng, không chung chung để ưu tiên phát triển trong các lĩnh vực quan trọng, các công việc lớn của đất nước; tiếp tục cụ thể hóa các chính sách để doanh nghiệp yên tâm làm, cống hiến, được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của đất nước như vốn, khoáng sản, tài nguyên, nhân lực và các điều kiện cần thiết khác.
Về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt hơn nữa 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, giảm chi phí tuân thủ, giảm công sức cho người dân và doanh nghiệp; phát triển hạ tầng để tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất, giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm; đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu về nhân lực của doanh nghiệp khi phát triển. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có an toàn, an ninh mạng, để doanh nghiệp có điều kiện phát triển nhanh, bền vững; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để tìm lời giải cho vướng mắc…
Đối với doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng đề nghị phải hoạt động đúng luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm công dân; không ngừng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, quản trị thông minh, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi, doanh nghiệp phải đi đầu, tiên phong, đi trước đón đầu trong lĩnh vực này để mang lại lợi ích quốc gia, dân tộc; tăng cường hợp tác, kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn với nhau, với các doanh nghiệp FDI, với các doanh nghiệp nhà nước để tạo chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi dịch vụ rộng hơn, mang tính cả nước và phạm vi toàn cầu; tích cực tham gia vào quá trình bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội, bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng về tất cả các lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là tích cực tham gia xây dựng nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước…/.
Kiểm tra công tác bố trí, xử lý tài sản công trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tại huyện Pác Nặm (16/06/2025)
Ba Bể quan tâm bố trí, xử lý tài sản công trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (16/06/2025)
Gắn phong trào thi đua với nhiệm vụ sáp nhập đơn vị hành chính (15/06/2025)
Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn trong tuần làm việc đầu tiên của đợt 2, Kỳ họp thứ 9 (15/06/2025)
Hội nghị toàn quốc tập huấn về tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị ở cấp xã (mới) (14/06/2025)