PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/08/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông chuyển biến tích cực từ Nghị quyết “Tam nông”
Sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết “Tam nông”), huyện Bạch Thông đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Vượt khó vươn lên

Dương Phong là địa phương điển hình thực hiện tốt Nghị quyết “Tam nông” của huyện Bạch Thông. Đây là xã vùng cao, cách xã trung tâm huyện hơn 40 km về phía Tây Nam, có trên 500 hộ dân chủ yếu là người Tày, Dao, Kinh cùng chung sống tại 10 thôn. 

Trước đây, xã Dương Phong là một trong những xã nghèo của huyện Bạch Thông, đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 14 triệu đồng/người/năm và chỉ đạt 4/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chiếm còn cao. Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông - lâm nghiệp quy mô nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ; việc áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, phát triển kinh tế của Nhân dân còn hạn chế...

Sau khi thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, xã Dương Phong đã đạt được những kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế xã... được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn của xã ngày một khang trang. Nhất là sản xuất nông nghiệp tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trên địa bàn xã hình thành được vùng sản xuất cây ăn quả (cam, quýt) tập trung, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Đến năm 2020, bình quân đầu người khu vực nông thôn của xã đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo (không bao gồm các hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội) chỉ còn 7,25%. Hết năm 2020, xã Dương Phong đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tháng 4/2021, xã Dương Phong vinh dự đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Không chỉ riêng xã Dương Phong, việc thực hiện Nghị quyết “Tam nông” đã được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Bạch Thông triển khai tích cực, huy động sự vào cuộc của toàn thể Nhân dân. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết, huyện Bạch Thông đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên cả ba lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nhiều thành tích nổi bật

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Hoàng Văn Kiệm, thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện thường xuyên chỉ đạo vận dụng thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. UBND huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; tập trung huy động nguồn lực, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống Nhân dân, trong đó hỗ trợ trực tiếp từ năm 2008 - 2020 cho nông dân phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 29 tỷ đồng. Mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực thực hiện các nội dung Nghị quyết và Chương trình hành động của Huyện ủy cũng như chương trình hành động của mỗi đơn vị đề ra. Chính vì vậy, huyện Bạch Thông đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Với mô hình sản xuất dưa trong nhà lưới, HTX Đại Hà, xã Quang Thuận là một trong các đơn vị tích cực
ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại huyện Bạch Thông

Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản của huyện đạt 620 tỷ đồng. Sản lượng lương thực của huyện đạt trên 21.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 662 kg/người/năm. Trên địa bàn huyện đã phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với nhu cầu thị trường như vùng sản xuất lúa, trồng thuốc lá, cam, quýt, dong riềng... Toàn huyện đã có 13 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 79%, cao hơn trung bình chung của tỉnh hiện nay (73,4%).

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang, xã Lục Bình là một trong nhiều HTX hoạt động hiệu quả,
góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Hình thức sản xuất của người dân đang có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện đã có 34 hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã kiểu mới. Trong đó, nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi mới. Đến nay, Bạch Thông đã có 8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông; trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động; tất cả các xã đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 98%; 100% xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại di động; 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 16/39 trường học đạt chuẩn quốc gia; 14/14 xã, thị trấn được công nhận xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế…

Toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trước khi thực hiện sáp nhập các xã theo Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH 14 ngày 20/01/2020 của Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Kạn, Bạch Thông là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh với kết quả xây dựng thành công 5 xã nông thôn mới. Toàn huyện không còn xã dưới 5 tiêu chí, có 15 thôn được công nhận thôn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 34 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 15,1%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn đang ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Với những kết quả đạt được tại huyện Bạch Thông, có thể khẳng định Nghị quyết “Tam nông” là một chủ trương đúng đắn của Đảng đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã triển khai nghiêm túc, tích cực và được Nhân dân đồng thuận cao, cơ bản đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, tạo bước ngoặt và tác động tích cực trên các lĩnh vực. Từ Nghị quyết “Tam nông”, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới; sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống người dân được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững./.

Hương Dịu