PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp
Giai đoạn 2021-2025, huyện Bạch Thông tập trung đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế và tham gia Chương trình OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Công tác phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện thời gian qua luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy, Ban Chỉ đạo Phát triển và đổi mới kinh tế tập thể, UBND huyện. Nhờ vậy, mô hình HTX kiểu mới bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

HTX Thiên An, xã Vi Hương sở hữu nhiều sản phẩm OCOP là dược liệu và nông sản

Tính đến hết tháng 8/2020, toàn huyện có 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2018 đến hết năm 2020, huyện đã có 13 sản phẩm OCOP được đánh giá đạt 3 sao cấp tỉnh, số HTX có sản phẩm được cấp sao OCOP là 06 HTX. Hiện nay, Bạch Thông có 04 HTX đã bước đầu áp dụng các ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, trong đó: HTX Đại Hà, HTX Thiên An sử dụng máy móc trong sấy khô nông sản; HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang thực hiện ứng dụng hệ thống tưới phun sương trong trồng nấm, sử dụng máy móc trong sơ chế nguyên liệu; HTX Hương Ngàn ứng dụng hệ thống nồi chưng cất tinh dầu sả, quýt, bưởi…

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện, đa số các HTX quy mô còn nhỏ lẻ; trình độ quản lý của các HTX, THT chưa cao, khả năng tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; vốn tự có của các tổ chức còn ít, do đó việc đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn và tự động hóa chưa thực hiện được. Các sản phẩm của các HTX nông nghiệp tuy đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, mẫu mã tương đối đa dạng, chất lượng tốt nhưng giá cả còn cao, sức cạnh tranh thấp. Chưa tổ chức liên kết bao tiêu sản phẩm giữa các HTX với các doanh nghiệp nên còn thiếu đầu ra cho sản phẩm, không có thị trường tiêu thụ lớn.

Từ những hạn chế trên, đồng thời để góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, ngày 06/01/2021, UBND huyện Bạch Thông đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện Chương trình OCOP huyện Bạch Thông, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của huyện là phấn đấu đến năm 2025: Có 25 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 70% HTX hoạt động có hiệu quả; thu nhập bình quân thành viên HTX nông nghiệp đạt 72 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động làm việc trong các HTX nông nghiệp đạt 48 triệu đồng/năm; có 30 sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao (phấn đấu có sản phẩm đạt 5 sao); có 12 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP...

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ thành lập mới các HTX ở mọi lĩnh vực, trọng tâm là các HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản. Thực hiện hỗ trợ các HTX theo nội dung được quy định tại Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ về tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, mua máy móc phục vụ sản xuất, chế biến; hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu; hỗ trợ dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó là phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Vận dụng bộ công cụ quản lý chất lượng sản phẩm OCOP do cấp Trung ương xây dựng, ban hành gồm: Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Chương trình OCOP, hệ thống báo cáo theo Bộ chỉ số quốc gia OCOP… Khuyến khích sử dụng mã số mã vạch, mã QR-code trong truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm OCOP.

Mỗi năm, huyện tổ chức tập huấn ít nhất một lần cho các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP như tập huấn xây dựng, triển khai kế hoạch kinh doanh và phát triển sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại trung tâm huyện.

Với khí thế sôi nổi cùng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Bạch Thông đang nỗ lực từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và thôn nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững./.

Thu Trang