PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/07/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông phát triển công nghiệp theo hướng bền vững
Với nền tảng là những doanh nghiệp nhỏ nhưng hoạt động có hiệu quả cùng với tiềm năng, lợi thế riêng, huyện Bạch Thông có nhiều thuận lợi để đưa công nghiệp phát triển tạo thêm những mũi nhọn cho địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong bối cảnh số doanh nghiệp của huyện còn ít, một số phải dừng hoạt động thì các doanh nghiệp nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả như Nhà máy sản xuất đũa gỗ, Nhà máy sản xuất gạch Tuynel công nghệ cao…  là điểm sáng trong phát triển công nghiệp của địa phương.

Với 50 công nhân đang làm việc (cao điểm có khoảng 100 công nhân), Nhà máy sản xuất đũa gỗ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VINACOM Việt Nam, thôn Nà Ngăm, xã Cẩm Giàng là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất trên địa bàn huyện Bạch Thông. Đây là doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư ban đầu hơn 3 tỷ đồng, công suất hoạt động 10 triệu đôi đũa/năm, sản phẩm gồm đũa trần và đũa bọc túi ni lông, nguyên liệu chính từ gỗ bồ đề và gỗ mỡ. Sản phẩm đũa gỗ của Công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp. Năm 2020, tổng thời gian hoạt động của nhà máy chỉ khoảng 9 tháng, 6 tháng đầu năm 2021 cũng mới chỉ sản xuất được 2 tháng. Dù gặp những khó khăn như vậy, doanh nghiệp vẫn cố gắng đưa ra giải pháp nhằm duy trì các đơn hàng, bảo đảm thu nhập cho công nhân với mức lương bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng và đóng góp ngân sách khoảng 130 - 150 triệu đồng/tháng.

Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao đang khai thác nguyên liệu hiện có tại địa phương để sản xuất

Ngoài ra, huyện Bạch Thông có những mỏ đất sét, mỏ đá làm nguyên liệu cho phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Đối với mỏ đất sét hiện có, Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao đặt tại thôn Khuổi Thiêu, xã Quân Hà đang khai thác. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2019, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống dây chuyền đồng bộ, khép kín, đạt tiêu chuẩn hiện đại với tổng vốn 67 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 4,57 ha. Chất lượng được bảo đảm, giá thành cạnh tranh đã giúp sản phẩm gạch Tuynel của Nhà máy nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Năm 2020, Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao đã bán được 14,4 triệu viên gạch, 6 tháng đầu năm 2021 xuất bán được 6,5 triệu viên gạch. Dù chưa đạt 100% công suất thiết kế nhưng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì con số này rất đáng ghi nhận. Không chỉ đóng góp cho ngân sách địa phương, Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Bạch Thông còn có những tiềm năng thu hút nhà đầu tư phát triển thủy điện. Ngoài 2 nhà máy thủy điện đang hoạt động có hiệu quả là Nhà máy thủy điện Nặm Cắt, xã Đôn Phong với công suất 4,5MW do Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu xây dựng Bắc Kạn làm chủ dự án; Nhà máy thủy điện Thác Giềng do Công ty Cổ phần Sông Đà Bắc Kạn làm chủ dự án, giai đoạn tới theo quy hoạch, trên địa bàn huyện sẽ xây dựng 3 nhà máy thủy điện gồm: Nhà máy thủy điện Nặm Cắt 2, Nhà máy thủy điện Khuổi Thốc, xã Đôn Phong và Nhà máy thủy điện Mỹ Thanh với công suất 6MW thực hiện nhiệm vụ phát lên lưới điện quốc gia.

Đến cuối năm 2020, độ che phủ rừng của huyện đạt trên 79%, cao hơn tỉ lệ che phủ bình quân của tỉnh. Diện tích rừng trồng lớn là lợi thế để huyện Bạch Thông phát triển công nghiệp chế biến lâm sản. Theo ước tính của ngành chức năng huyện, trung bình mỗi năm, huyện có khoảng 200 ha rừng cho khai thác, sản lượng đạt hơn 20.000 m3, giá trị kinh tế khoảng hơn 20 tỷ đồng. Hiện nay, huyện có 49 cơ sở gỗ bóc, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động cũng như góp phần tiêu thụ lâm sản cho địa phương. Phụ phẩm nông nghiệp và tận thu sản phẩm gỗ rừng trồng tại Bạch Thông và các địa phương khác trong tỉnh sẽ là nguồn nguyên liệu cho Nhà máy điện sinh khối Bắc Kạn công suất 30MW đặt tại Cụm Công nghiệp Cẩm Giàng. Hiện dự án này đã được Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.

Từ những bài học kinh nghiệm giai đoạn trước, huyện đã và đang lựa chọn phát triển những ngành công nghiệp phù hợp với đặc điểm, lợi thế cạnh tranh của địa phương, đồng thời cùng với tỉnh tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn sớm đưa một số nhà máy đã ngừng hoạt động quay lại sản xuất. Cùng với Cụm Công nghiệp Cẩm Giàng đã được phê duyệt xây dựng giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bạch Thông đã đưa vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cho Cụm Công nghiệp Tân Tú với diện tích 13 ha và Cụm Công nghiệp Quân Hà với diện tích 50 ha. Huyện sẽ tiến hành đánh giá kỹ, có bước đi cụ thể, khoa học nhằm biến tiềm năng, lợi thế về công nghiệp thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Thu Trang