PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bạch Thông đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực nhằm tạo sự chuyển biến của tổ chức, cá nhân về nền nếp, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số để thúc đẩy kinh tế huyện ngày càng phát triển.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

UBND huyện Bạch Thông phối hợp VNPT Bắc Kạn tập huấn chuyển giao công nghệ để các đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống mạng. Đến nay, hệ thống phần mềm VNPT - iOffice đã được triển khai liên thông đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã; 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã được kết nối Internet băng thông rộng, kết nối mạng LAN và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cán bộ, công chức, viên chức đều được cấp thư điện tử công vụ, tỷ lệ sử dụng thường xuyên đạt trên 90%.

Đối với việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng, huyện đã cấp 429 thiết bị lưu khoá bí mật, các cơ quan, đơn vị được cấp đã sử dụng ổn định theo quy định. Bên cạnh đó, việc sử dụng mã vạch, mã QR code, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hay bán hàng qua mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tại các nông hộ, hợp tác xã (HTX) đã cho thấy chuyển đổi số đang từng bước len lỏi vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp Bạch Thông.

Năm 2021, sản phẩm chè bản Dao của Tổ hợp tác Nà Pán, Đôn Phong đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện. Nắm bắt được thời cơ này, Tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư bao bì, đăng ký mã vạch, làm video giới thiệu sản phẩm. Chị Bàn Thị Thắm, Trưởng nhóm chè bản Dao cho biết: “Muốn mở rộng thị trường, bên cạnh yếu tố chất lượng sản phẩm thì việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm rất quan trọng. Nhờ sự hỗ trợ của huyện và Sở Khoa học và Công nghệ, chúng tôi từng bước tiếp cận và nắm bắt được kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp, đưa các sản phẩm của mình lên các trang mạng xã hội để tiếp thị, chào bán. Với việc được chứng nhận là sản phẩm OCOP, các sản phẩm chè của Tổ hợp tác bản Dao được bán với giá cao hơn khoảng 30 - 40%. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra cú hích thay đổi tư duy, nhận thức, trình độ quản lý, kinh doanh của phụ nữ người Dao ở Đôn Phong”.

HTX Thiên An ứng dụng công nghệ thông tin trong bán hàng trực tuyến

Từ tháng 8/2020, với sự hỗ trợ của Cục Tin học hóa, Tập đoàn công nghệ CMC, Viettel Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Viễn Thông Hà Nội và Viễn thông Bắc Kạn, HTX Thiên An, xã Vi Hương nhận được sự hỗ trợ quy mô, bài bản từ Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 1, các sản phẩm của HTX Thiên An được sử dụng mã vạch QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với mã vạch này, người dùng có thể truy xuất được toàn bộ quy trình sản xuất của sản phẩm từ thu hái, sơ chế, thời điểm đóng gói, địa chỉ sản xuất… Cùng với chất lượng sản phẩm được bảo đảm thì việc sử dụng mã vạch QR code góp phần giải thích vì sao người tiêu dùng tại nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam cách xa cả nghìn cây số vẫn tin tưởng vào sản phẩm của HTX Thiên An. Hiện nay, với 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, 11 mặt hàng được chào bán trên những sàn thương mại điện tử hàng đầu như: Postmart, Tiki, Shopee, Laza, Voso, 70% sản phẩm của HTX được bán hàng qua mạng..., những con số này cho thấy việc ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của HTX Thiên An, xã Vi Hương đã được khai thác vận dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình.

Theo chị Lý Thị Quyên - Giám đốc HTX Thiên An, hơn 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tốt thương mại điện tử trên các trang mạng xã hội và hệ thống bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp. Chất lượng sản phẩm được bảo đảm, khách hàng biết rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất và các thông số kỹ thuật khác là yếu tố để các sản phẩm của HTX vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh.

Không chỉ là lực lượng xung kích trong các phong trào thi đua yêu nước, với sức trẻ và sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ, thanh niên được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện công tác chuyển đổi số, các cơ sở đoàn, đoàn viên, thanh niên trong huyện đã chủ động, sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số với nhiều hình thức đa dạng, qua đó hướng dẫn đoàn viên, thanh niên tiếp cận các công nghệ, ứng dụng số vào sinh hoạt, học tập hằng ngày. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra phải giãn cách xã hội, việc ứng dụng công nghệ số vào họp trực tuyến đã hỗ trợ cho công tác đoàn rất nhiều. Bằng hình thức này, Huyện đoàn đã kịp thời chỉ đạo, quản lý các cơ sở đoàn và lực lượng tình nguyện viên thực hiện nhiệm vụ một cách thuận lợi hơn mà không phải gặp gỡ trực tiếp. Các ứng dụng mạng xã hội như facebook, zalo cũng được khai thác triệt để, phù hợp với tình hình.

Các sản phẩm OCOP của thanh niên Bạch Thông từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ chuyển đổi số

Thanh niên nông thôn cũng tích cực thực hiện chuyển đổi số góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua công nghệ 4.0 đang được nhiều các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình trên địa bàn huyện giới thiệu bán các sản phẩm trên mạng xã hội Zalo, Facebook, điển hình như hộ gia đình anh Hứa Văn Hưng, thôn Ba Phường, xã Cẩm Giàng là một người trẻ đi đầu xu hướng nông nghiệp 4.0. Hay Tổ hợp tác xã Quân Hà được thành lập năm 2020 với nòng cốt là các đoàn viên thanh niên, nhờ nhanh nhạy trong việc tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên chỉ trong một thời gian ngắn đi vào sản xuất nhiều mặt hàng của Tổ hợp tác đã được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết tới như sản phẩm trà hoa đu đủ đực sấy khô, viên ngậm hoa đu đủ đực, trà tía tô… Trong đó, trên 80% sản phẩm của Tổ hợp tác được bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử Postmart.

Việc phải “giải cứu” nông sản diễn ra ở nhiều nơi hay chuyện nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, những thanh niên nông thôn đã nhanh chóng bắt nhịp với thời đại, tập trung vào việc đa dạng kênh bán hàng trên các nền tảng công nghệ mới, nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm đã được các bạn thanh niên chú trọng hơn. Việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu trên môi trường mạng được đầu tư bài bản.

Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Đinh Quang Hưng đánh giá, dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở Bạch Thông còn rất mới mẻ, khiêm tốn, tự phát, hơn nữa, việc chuyển đổi này mới thực hiện chủ yếu ở khâu bán hàng. Số lượng nông hộ, HTX hay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có ý thức hoặc đang thực hiện chuyển đổi số rất ít. Chuyển đổi số là quá trình mới mẻ và cũng đầy khó khăn, thách thức, nhưng không đi không thể đến đích. Vì thế, huyện xác định cần chủ động thực hiện chuyển đổi số sớm để nắm bắt thời cơ, lợi thế, tạo xung lực mới cho nông nghiệp, nông thôn của Bạch Thông đi lên./.

Thu Trang