PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp ngăn chặn
Để hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) gây ra, Chi cục Chăn nuôi tỉnh đã hướng dẫn người dân về dấu hiệu nhận biết và các biện pháp ngăn chặn

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi tỉnh, từ ngày 06/4/2020 đến ngày 10/7/2020, bệnh DTLCP đã tái phát và xảy ra tại 392 hộ, thuộc 138 thôn của 54 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 1.482 con, tương đương 58.774 kg.

Để hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do DTLCP gây ra, Chi cục Chăn nuôi tỉnh đã hướng dẫn người dân về dấu hiệu nhận biết và các biện pháp ngăn chặn, cụ thể:

Thông tin chung về bệnh DTLCP

Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do vi rút gây ra, có thể gây chết lợn với tỷ lệ lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị và vắc xin để phòng bệnh. Vi rút gây bệnh DTLCP không gây bệnh cho người; vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường, vi rút có thể tồn tại thời gian dài trong thịt đông lạnh, thịt hun khói, thịt chưa nấu chín…

Bệnh DTLCP được nhận biết qua các dấu hiệu: Lợn bỏ ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, có biểu hiện đau vùng bụng, cong lưng, ỉa ra máu. Da lợn từ trắng chuyển sang màu đỏ, có xuất huyết vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có màu sẫm, xanh tím do xuất huyết. Khi mổ khám lách sung to, màu đen do nhồi huyết, nhiều nước trong xoang bụng, hạch màng treo ruột xuất huyết, thận xuất huyết điểm…

Bệnh DTLCP lây truyền theo nhiều đường khác nhau như: Bệnh DTLCP lây nhiễm từ lợn bệnh sang lợn khỏe thông qua tiếp xúc trực tiếp, khi lợn khỏe mạnh tiếp xúc với máu, phân, chất bài tiết của lợn bệnh. Lợn khỏe mạnh có thể bị nhiễm bệnh khi ăn thức ăn thừa của con người có vi rút gây bệnh (từ nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp) chưa được xử lý nhiệt, nấu chín. Lợn có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, bao bì đựng cám, quần áo của người chăn nuôi, nguồn nước có mang mầm bệnh.

Các biện pháp ngăn chặn bệnh DTLCP

Đối với địa phương chưa có dịch, để ngăn chặn bệnh DTLCP, cần chỉ đạo các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm cho lợn đầy đủ dinh dưỡng; được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của của cơ quan thú y; thường xuyên theo dõi, phát hiện, để có biện pháp can thiệp kịp thời, khi thấy lợn nghi bị bệnh cần báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y nơi gần nhất.

Đối với vùng có dịch, các địa phương chỉ đạo người dân chấp hành quy định về khai báo dịch bệnh, các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm có các biểu hiện nghi mắc bệnh DTLCP phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Khi lợn tại hộ mắc bệnh DTLCP cần thực hiện đúng các hướng dẫn của cơ quan thú y để khoanh vùng, xử lý triệt để dịch bệnh, trong đó cần thực hiện triệt để các biện pháp “6 không” trong phòng, chống bệnh DTLCP: Không giấu dịch; không bán chạy lợn bênh; không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác gia súc bệnh ra môi trường; không điều trị lợn mắc bệnh.

Tái đàn lợn tại địa phương đã có bệnh DTLCP

Việc nuôi tái đàn lợn tại các địa phương đã có bệnh DTLCP được thực hiện theo quy định hiện hành và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cụ thể:

Nuôi tái đàn lợn tại cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị bệnh DTLCP hoặc đã bị dịch nhưng đã công bố hết bệnh DTLCP, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Chủ cơ sở chăn nuôi phải kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện nuôi tái đàn và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi, áp dụng hiệu quả các biện pháp an toàn trong chăn nuôi và có sự giám sát của cán bộ chuyên môn tại cơ sở.

Chuồng trại: Khu vực chăn nuôi phải rắc vôi bột các lối đi bên trong, bên ngoài chuồng lợn, đặc biệt ở cổng trại, lối ra vào khu trại; phun sát trùng với tần suất ít nhất 1 lần/tuần. Hằng ngày thực hiện việc vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn côn trùng, gặm nhấm, vật nuôi khác để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào trong chuồng, trại chăn nuôi; hạn chế tối đa khách thăm quan, phương tiện ra vào trại, khu chăn nuôi nhất là thương lái và phương tiện vận chuyển thu gom lợn; phương tiện vận chuyển phải được tiêu độc sát trùng thật kỹ, đúng kỹ thuật, được kiểm soát chặt chẽ

Thức ăn chăn nuôi: Sử dụng thức ăn dùng trong chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt triệt để diệt được mầm bệnh trong thức ăn; bổ sung chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.

Con giống phải được mua tại cơ sở chăn nuôi có nguồn gốc, an toàn dịch bệnh và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, có bản cam kết của chủ cơ sở cung cấp con giống; nếu nhập từ tỉnh khác phải có hồ sơ kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y theo quy định.

Các bước nuôi tái đàn: Trước mắt nuôi khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở, sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể nuôi tại cơ sở./.

Các tổ chức, cá nhân cố ý buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh đã được công bố dịch; không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng:

Vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;

Mang đi tiêu thụ thân thịt, phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc chưa được xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y;

Chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy;

Không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Hương Dịu