PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/05/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bí xanh thơm - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Bí xanh thơm là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Với giá trị kinh tế cao, hiện nay, bí xanh thơm đang là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bí xanh thơm Ba Bể có hai loại là bí phấn và bí xanh

Bí xanh thơm Ba Bể có hai loại là bí phấn và bí xanh, nhưng có chung đặc điểm là thơm từ thân đến lá, rồi hoa và quả, có độ dẻo, mùi vị ngọt dịu vô cùng hấp dẫn. Từ những quả bí xanh thơm, người dân ở Ba Bể đã chế biến được nhiều món ăn ngon, độc đáo như món bí xanh nhân thịt hấp, bí xào, nộm, luộc, nấu canh, mứt bí... Với giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu/ha, so với cây lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Hiện nay, cây bí xanh thơm đã và đang được huyện Ba Bể phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ông Triệu Văn Nghiên thôn Nà Đúc, xã Địa Linh đang chăm sóc bí xanh thơm

Gia đình ông Triệu Văn Nghiên ở thôn Nà Đúc, xã Địa Linh đã có kinh nghiệm trồng bí xanh thơm hơn 10 năm nay. Ông Nghiên cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ trồng bí trên vườn nhưng vài năm trở lại đây trồng bí xanh thơm đem lại thu nhập cao hơn trồng ngô, lúa nên gia đình ông mở rộng diện tích trồng bí xanh thơm xuống ruộng để tăng thu nhập. Đến nay, mỗi năm gia đình ông trồng khoảng 3.000 m2 bí xanh thơm. Vụ xuân 2022, do rét đậm, rét hại nên cây bí phát triển chậm hơn. Chính vì vậy, những ngày này, gia đình ông Nghiên đang tập trung chăm sóc để những vườn bí phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng, tiếp tục đem lại nguồn thu khá cho gia đình.

Cũng tại xã Địa Linh, mặc dù phát triển cây bí xanh thơm muộn hơn các hộ khác nhưng gia đình bà Liêu Thị Hường lại là một trong những hộ trồng nhiều bí xanh thơm nhất ở thôn Bản Váng. Bà Hường cho biết, năm 2022 này mới là năm thứ 3 gia đình bà trồng bí xanh thơm. Vụ xuân năm 2020, gia đình bà chỉ trồng bí xanh thơm với diện tích 2.000 m2, diện tích ruộng còn lại vẫn sản xuất lúa. Qua vụ bí đầu tiên, so sánh với trồng lúa thấy cây bí mang lại hiệu quả kinh tế hơn nên từ năm 2021, gia đình bà quyết định chuyển đổi hết 5.000 m2 đất trồng lúa sang trồng bí vụ xuân, chỉ sản xuất lúa vụ mùa để phục vụ sinh hoạt gia đình và chăn nuôi. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ bí đem lại cho gia đình bà hơn 70 triệu đồng, đây đang là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Hường.

Với hiệu quả kinh tế cao và tiềm năng phát triển lớn, huyện Ba Bể xác định cây bí xanh thơm là một trong những cây trồng thế mạnh của huyện. Tại Kỳ họp thứ ba diễn ra tháng 9/2021, HĐND huyện Ba Bể đã quyết nghị thông qua Đề án phát triển sản xuất một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh trên địa bàn huyện Ba Bể giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây bí xanh thơm đạt 200 ha; huyện sẽ xây dựng mô hình thâm canh tăng vụ trồng bí xanh thơm với quy mô 10 ha tại xã Yến Dương và Địa Linh, mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất giống bí thơm với quy mô 0,1 ha tại xã Yến Dương.

Vụ xuân 2022, theo thống kê sơ bộ, toàn huyện trồng được hơn 180 ha bí xanh thơm. Bị ảnh hưởng bởi thời tiết rét đậm, rét hại, bí xanh thơm vụ này phát triển chậm hơn, đến nay, những quả bí đầu vụ mới bắt đầu cho thu hoạch. Mặc dù vậy, người dân trồng bí vẫn lạc quan tin tưởng rằng, vụ bí này “được mùa, được giá” khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát trong phạm vi cả nước. Đặc biệt là cuối tháng 5/2022, tỉnh Bắc Kạn tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP gắn với gắn với du lịch trải nghiệm năm 2022, góp phần quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm./.

Hương Dịu