PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 720/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh: Kiên Giang, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Quảng Ngãi gửi tới sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo đó, nội dung kiến nghị gồm:

- “Điểm b khoản 5 Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 có quy định: Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, nhưng người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng An toàn khu thì không được hưởng trợ cấp xã hội này, trong khi xã An toàn khu được hưởng các chính sách như xã ở vùng đặc biệt khó khăn. Kiến nghị Chính phủ bổ sung đối tượng người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng An toàn khu được hưởng chính sách nêu trên".

- “Tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định: “Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng” thì người cao tuổi thuộc hộ nghèo (không có chồng hoặc không có vợ) không có con, nhưng có anh, chị, em ruột hoặc có các cháu con anh, chị, em ruột là những người có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng thì không được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Như vậy, người cao tuổi thuộc hộ nghèo đủ điều kiện theo quy định này hầu như không có. Đề nghị điều chỉnh quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thành “Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo không có vợ, không có chồng, không có con” thì được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng”.

- “Thực tế hiện nay có những trường hợp trẻ em bị bố, mẹ để lại cho ông bà chăm sóc, không có liên hệ, không gửi tiền nuôi dưỡng, chăm sóc, ông bà thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, tuổi cao, không còn khả năng lao động, không có thu nhập... cuộc sống rất khó khăn, tuy nhiên, do không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nên không được hưởng trợ cấp. Đề nghị cơ quan chức năng xem xét, bổ sung quy định đối với trường hợp trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, không chăm sóc, không có liên hệ trong một khoảng thời gian nhất định thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng”.

- “Cử tri phản ánh, điểm b khoản 5 Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định: “Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn” là đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng, nhưng đến lúc đối tượng này trên 80 tuổi thì có được tiếp tục hưởng trợ giúp xã hội không? Còn quy định tại điểm c khoản này thì người trên 80 tuổi nhưng điều kiện phải là đối tượng không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì mới được hưởng chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng. Quy định tại điểm b và điểm c còn có khoảng trống, chưa toàn diện, đã gây vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn áp dụng. Cử tri đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, trình Chính phủ điều chỉnh quy định đối tượng tại điểm b khoản 5 Điều 5 như sau: “Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn”.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được quy định mở rộng thêm là người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định này đang sống tại các địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Việc mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi là cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định: “Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn, bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này; đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội”. Do vậy, theo quy định hiện hành, việc xem xét, giải quyết chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng đối với trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, không chăm sóc, không có liên hệ trong một khoảng thời gian nhất định; người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo không có vợ hoặc chồng, không có con; người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn, thôn vùng An toàn khu thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, được đảm bảo từ nguồn ngân sách địa phương./.

DT