PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Lắk, Hòa Bình gửi tới sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 721/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Lắk, Hòa Bình gửi tới sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cụ thể, nội dung kiến nghị gồm:

- “Hiện nay, có nhiều trường hợp người cao tuổi thuộc hộ nghèo có nguyện vọng được sống tại cơ sở bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, điều kiện để cơ sở bảo trợ xã hội xem xét quyết định tiếp nhận là: Người cao tuổi đó không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, các đối tượng có nghĩa vụ phụng dưỡng rất nhiều, nên thực tế có người cao tuổi thuộc hộ nghèo, sống một mình nhưng do vẫn còn các đối tượng có nghĩa vụ phụng dưỡng nhưng họ không có điều kiện để phụng dưỡng hoặc sinh sống ở các địa phương khác. Đề nghị xem xét điều chỉnh quy định cho phù hợp”.

- “Hiện nay, khi thực hiện Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 2/1/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã thực hiện, phát sinh khó khăn trong công tác xác định mức độ khuyết tật cho các đối tượng như: Ung thư, suy thận, tâm thần, trí tuệ... (Các bệnh hiểm nghèo theo danh mục của Bộ Y tế). Vì căn cứ Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH, Hội đồng xét duyệt mức độ khuyết tật các xã, thị trấn đánh giá các đối tượng bị ung thư, suy thận, tâm thần… không có các dấu hiệu và các tiêu chí phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân, kết luận thuộc mức độ khuyết tật nhẹ (xác định mức độ khuyết tật đúng theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH), nhưng khi đưa các đối tượng đi giám định y khoa thì các đối tượng này được giám định mức độ khuyết tật nặng (thuộc đối tượng hỗ trợ bảo trợ xã hội hàng tháng, được hưởng bảo hiểm y tế theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP). Xét điều kiện, hoàn cảnh của những người bị mắc các bệnh hiểm nghèo rất khó khăn, phần lớn gia đình có người bệnh đều rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn. Mặt khác, để thống nhất trong tiêu chí xét duyệt giữa Hội đồng xét duyệt cấp xã, phường với Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội, đưa đối tượng là người mắc các bệnh hiểm nghèo theo danh mục của Bộ Y tế vào diện hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP”.

- “Quy định về thời gian thực hiện thủ tục hỗ trợ mai táng phí tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định về thủ tục mai táng phí là rất gấp (cấp xã là 2 ngày, cấp huyện là 3 ngày) vì cơ quan tham mưu phải đối chiếu thông tin đối tượng trong hồ sơ hưởng trợ cấp với tờ trình đề nghị hỗ trợ kinh phí mai táng của UBND xã; phải thẩm định hồ sơ, tham mưu tờ trình đề nghị, tham mưu quyết định cho UBND huyện ký ban hành quyết định. Do đó, đề nghị xem xét điều chỉnh tăng thời gian xử lý hồ sơ thực hiện thủ tục mai táng phí tại Khoản 4 Điều 11 lên 7 ngày (ở cấp xã là 3 ngày, cấp huyện là 4 ngày)”.

- “Đề nghị quan tâm nghiên cứu mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người bị bệnh hiểm nghèo, người chạy thận nhân tạo để giúp các đối tượng này giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến cử tri, sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi sửa đổi Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội./.

DT