PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Một số kết quả bước đầu trong triển khai Chương trình sách giáo khoa lớp 6 tại Bắc Kạn
Năm học 2021 - 2022, cả nước chính thức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với học sinh lớp 6. Các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các bước triển khai Chương trình đảm bảo tiến độ đề ra.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Giờ học của học sinh khối lớp 6 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Chợ Đồn

Thầy giáo Ma Quang Huấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học cơ sở (THCS) Hoàng Văn Thụ, huyện Chợ Đồn cho biết, năm học 2021 - 2022, nhà trường có 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 6. Toàn trường có 8 lớp với 248 học sinh; có 2 lớp 6 với 60 học sinh. Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông 2018 đối với lớp 6, Trường THCS Hoàng Văn Thụ đã chọn cử giáo viên đi tập huấn chương trình thay sách của Bộ GD&ĐT. Đồng thời tổ chức sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, chi tiết trước khi vào năm học mới. Đội ngũ giáo viên của Trường đảm bảo đáp ứng dạy học Chương trình SGK mới.

Cùng với việc chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, Trường cũng quan tâm rà soát cơ sở vật chất, trang bị thiết bị để dạy học lớp 6. Hiện tại, mỗi lớp học được trang bị 1 tivi có mạng Internet phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên và nhu cầu học tập của học sinh; 12 máy tính để hỗ trợ học sinh học môn Tin học theo chương trình mới. Ngoài ra, Trường cũng đang tiếp tục mua sắm bổ sung những dụng cụ, thiết bị dạy học còn thiếu đối với lớp 6. Hiện nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, vì thế nhà trường đã và đang tận dụng tối đa thời gian này để tổ chức dạy học trực tiếp, tuy nhiên không gây quá tải cho học sinh và giáo viên. Cùng với đó, nhà trường cũng chủ động phương án dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Qua rà soát, Trường có 2 học sinh hoàn cảnh khó khăn, gia đình không đủ thiết bị để học trực tuyến, để đảm công tác dạy và học, Trường đã có phương án hỗ trợ đối với các em. Đến thời điểm hiện tại, Trường cũng đã phối hợp với nhà mạng Viettel kiểm tra, nâng cấp đường truyền mạng để triển khai dạy học trực tuyến được hiệu quả, đồng thời hướng dẫn kỹ năng học trực tuyến cho học sinh.

Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn lớp 6, năm học 2021 - 2022, cô giáo Hoàng Thị Mai - Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Chợ Đồn cho biết, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường được tập huấn, chuẩn bị kỹ nên hiểu rõ về chương trình. Nội dung chương trình dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; SGK mới có nhiều tiết thực hành, trải nghiệm nên học sinh rất hào hứng học tập... Trường sử dụng bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục. Đây là bộ sách được đầu tư bài bản, đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Về nội dung, SGK đảm bảo tính kế thừa, ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp, có tính mở; phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh. Cấu trúc, nội dung đảm bảo tính khoa học, lôgic; hình thức SGK, khổ sách, cỡ chữ, hình ảnh minh họa sinh động phù hợp với đặc thù môn học và lứa tuổi học sinh; sách được trình bày khoa học, rõ ràng, dễ hiểu. Trong quá trình dạy học, bản thân cô tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy. Vì vậy, theo đánh giá ban đầu, học sinh tích cực, chủ động trong việc tiếp thu kiến thức và hứng thú với sách. Tuy nhiên, là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới nên giáo viên khá vất vả, đôi khi lúng túng trong việc xây dựng các kế hoạch giáo dục, phải dành nhiều thời gian cho việc soạn giảng. Đối với môn Ngữ Văn lớp 6 có nhiều bài tập khó đối với học sinh…

Theo cô Mai, để học tốt Chương trình SGK mới đối với lớp 6, học sinh cần tự tin tiếp cận Chương trình SGK mới; chủ động dành thời gian đọc kỹ SGK, đặc biệt là các phần bài tập thực hành, luyện tập, vận dụng. Ngoài ra, tích cực hoạt động nhóm, trao đổi, chia sẻ với các bạn trong lớp để nắm kiến thức chắc hơn; hoàn thành các bài tập giáo viên giao; mạnh dạn đề xuất với giáo viên về những nội dung cần điều chỉnh trong quá trình học tập.

Nhìn chung, bước đầu triển khai Chương trình SGK lớp 6 tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ diễn ra thuận lợi, được phụ huynh tin tưởng và ủng hộ. Phụ huynh quan tâm đến việc học tập của con em mình nên phối hợp tốt với giáo viên trong công tác giáo dục. 

Theo ghi nhận chung, tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh, nhờ thực hiện tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt nên việc triển khai SGK đối với lớp 6 cơ bản được thuận lợi. Với nhiều ưu điểm của SGK lớp 6 mới, hầu hết các nhà trường đều khá thuận lợi trong việc giảng dạy. Giáo viên cơ bản bắt nhịp với việc đổi mới, trong các giờ giảng, giáo viên ít ngồi ghế hơn, thay vào đó là tương tác nhiều hơn với học trò. Học sinh cũng tích cực, chủ động hơn trong tiếp thu kiến thức.   

Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có hơn 5.000 học sinh lớp 6 và hơn 1.100 giáo viên giảng dạy đối với lớp 6. Trước khi vào năm học mới, Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở giáo dục rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất, SGK và trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu để dạy và học, nhất là chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6; tổ chức tập huấn chuyên môn thực hiện Chương trình. SGK cũng đã được cung ứng đầy đủ cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy và học.

Hy vọng, với sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, sự quyết tâm của các nhà trường và toàn ngành GD&ĐT, Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6 sẽ được triển khai hiệu quả trong năm học 2021 - 2022 và những năm tiếp theo./.

Ngọc Tú