Độ tương phản
Huyện Chợ Mới được thành lập trên cơ sở chia tách 16 xã, thị trấn phía Nam của huyện Bạch Thông và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/9/1998. Những ngày đầu mới thành lập, huyện gặp nhiều khó khăn trong nhiều lĩnh vực. Kinh tế chủ yếu là thuần nông, tốc độ phát triển chậm, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, khai thác tiềm năng, thế mạnh còn yếu. Thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kết cấu hạ tầng của huyện còn hạn chế.
Ông Nguyễn Thanh Thuyền, nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Chợ Mới nhớ lại: “25 năm về trước, đội ngũ cán bộ các xã, thị trấn cơ bản chưa được đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị nên còn hạn chế về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo. Kinh tế, cơ sở hạ tầng hết sức khó khăn; điện, đường, trường, trạm hầu như chưa được đầu tư xây dựng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 21%...".
Từ những khó khăn trên, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ. Sau 25 năm, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, Chợ Mới đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Nền kinh tế của huyện phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành trong những năm qua theo xu hướng giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp, tăng dần các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nếu thu nhập bình quân đầu người năm 1999 là 1,3 triệu đồng/người/năm thì đến hết năm 2022 đã tăng lên 38,7 triệu đồng/người/năm. Giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường học, bệnh viện, trạm y tế, công trình nước sạch, viễn thông, trụ sở làm việc… được đầu tư toàn diện và phát huy hiệu quả. Năm 2000, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, nhiều tuyến đường giao thông được mở mới. Hiện có 100% tuyến đường liên xã được rải nhựa, các tuyến đường liên thôn được đầu tư xây dựng. Ngoài Quốc lộ 3 đi qua, huyện còn được đầu tư xây dựng quốc lộ kết nối từ Thái Nguyên đến Khu Công nghiệp Thanh Bình.
Chị Trần Thị Thúy Huyền trú tại thị trấn Đồng Tâm cho biết, 25 năm trước, người dân của huyện, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa hầu như chưa có tivi, điều hòa, tủ lạnh, điện thoại di động… đến nay, hầu hết người dân đã có để sử dụng, đời sống ấm no hơn trước rất nhiều.
Người dân xã Như Cố tích cực trồng cây ớt chỉ thiên trên đất ruộng
Là huyện nông nghiệp nên Chợ Mới xác định cần khai thác tiềm năng đất đai, tập trung tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong các giải pháp phát triển nông nghiệp, huyện tập trung chuyển đổi đất 1 vụ năng suất thấp sang trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Hình thành và nâng cao hoạt động của các hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên doanh thực hiện bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng như vùng chuyên canh cây cam, quýt, chè; cây mơ, quế, hồi; xây dựng mô hình cánh đồng 70 triệu đồng/ha, trên 100 triệu đồng/ha.
Theo ông Vũ Như Hội - Chủ tịch UBND xã Nông Hạ, đến nay, các công trình phúc lợi trên địa bàn xã đã được đầu tư nhiều, hệ thống điện cơ bản được đảm bảo, đường giao thông đi lại cơ bản thuận tiện, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên đáng kể.
Chợ Mới là địa phương đầu tiên của tỉnh được đầu tư xây dựng khu công nghiệp quy mô cấp tỉnh tại xã Thanh Bình (nay là Thanh Thịnh). Từ khi khu công nghiệp đi vào hoạt động đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo động lực, môi trường thu hút các dự án đầu tư, phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện. Hiện nay, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thống kê, bồi thường và san lấp mặt bằng Cụm Công nghiệp Quảng Chu và mở rộng Cụm Công nghiệp Thanh Bình. Đây là một trong những dự án công nghiệp trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội, cải cách hành chính, chuyển đổi số cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện huyện Chợ Mới đang tích cực triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 – Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trấn Đồng Tâm. Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân ngày một nâng cao. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện cử 6 nhân viên y tế đến các vùng dịch để hỗ trợ; đồng thời kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn huyện chung tay ủng hộ phòng, chống dịch được hơn 280 triệu đồng và gần 50 tấn hàng ủng hộ Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong đại dịch.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng quân sự địa phương được đảm bảo và triển khai có hiệu quả. Hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao phát triển đa dạng, phong phú.
Theo Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Hoàng Nguyễn Việt, sau 25 năm xây dựng và phát triển, Chợ Mới đã có bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế xã hội. Huyện đã huy động được nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đến đầu tư tại huyện như Cụm Công nghiệp Quảng Chu 1, Cụm Công nghiệp Thanh Thịnh. Đến nay, huyện đã có 4 xã về đích nông thôn mới; 11 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 22 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh; 14/14 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình hằng năm giảm từ 2 - 2,5%. Có thể khẳng định, sau 25 năm thành lập, huyện Chợ Mới đã có nhiều đổi thay, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Chợ Mới đặt mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030: Xác định cơ cấu kinh tế của huyện là nông, lâm nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt 7,32% và 7,44 vào năm 2030; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm và đạt trên 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2030; thu ngân sách đạt 20 tỷ đồng năm 2025 và đạt trên 25 tỷ đồng vào năm 2030.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; diện tích trồng rừng mới bình quân hằng năm 1.000 ha, duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng 74,1%. Phấn đấu đến năm 2025 có 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao. Hằng năm, thành lập mới 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có 6 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đến năm 2025, huyện tập trung mạnh cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm 20% trong cơ cấu kinh tế; khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 39%; nông, lâm nghiệp chiếm 41%...
Có thể thấy trong 25 năm qua, huyện Chợ Mới đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Đây cũng là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Các cấp Hội Nông dân huyện Ngân Sơn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (30/09/2023)
Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân (30/09/2023)
Phụ nữ huyện Chợ Đồn tích cực đóng góp cho xã hội (26/09/2023)
Dự án đường kết nối vào Phiêng My, thành phố Bắc Kạn phấn đấu về đích trước kế hoạch (25/09/2023)
Măng nứa tép Mai Lạp - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh (21/09/2023)