PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/01/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cần có chiến lược trong phát triển thể thao thành tích cao
Thể thao thành tích cao có vị trí quan trọng trong phát triển thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe và năng lực con người. Đây cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm phát huy truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tinh thần của Nhân dân và góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của địa phương, đất nước. Tuy nhiên, để phát triển thể thao thành tích cao, Bắc Kạn cần có chiến lược với các định hướng và nhiệm vụ cụ thể.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua, mặc dù phong trào thể dục thể thao quần chúng đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc nâng cao thể chất và đời sống tinh thần cho Nhân dân, tuy nhiên, thể thao thành tích cao phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tố chất của con người tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt trong những năm gần đây, chất lượng và thành tích thi đấu của vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao có phần đi xuống, tụt hậu so với sự phát triển chung về thể thao của các tỉnh, thành trong toàn quốc.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do điều kiện khó khăn của địa phương thì nguyên nhân chủ quan là do tỉnh chưa có kế hoạch, chiến lược định hướng phát triển dài hạn, chưa xác định được rõ mục tiêu, chỉ tiêu cũng như các môn thể thao trọng điểm để tập trung đầu tư cho tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng và thành tích thi đấu cho VĐV của tỉnh.

VĐV tỉnh Bắc Kạn tham gia thi đấu môn KickBoxing tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2022

Vì vậy, theo đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh cần ban hành Đề án về phát triển thể thao thành tích cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, lựa chọn mô hình, định hướng phát triển và các giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương để tập trung tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao ở một số môn thể thao trọng điểm có khả năng phát triển bền vững và có thể giành được thành tích cao tại các giải thể thao quốc gia, đặc biệt là giành huy chương, nâng tầm vị trí tổng sắp thành tích tại các kỳ đại hội thể thao toàn quốc trong thời gian tới. Định hướng tập trung nguồn lực đầu tư trọng điểm, chuẩn bị nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, sân tập, trang thiết bị, công tác chuyên môn, nguồn kinh phí đảm bảo cho phát triển thể thao thành tích cao. Từng bước hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, xác định một số môn thể thao cá nhân có thế mạnh và phù hợp với đặc điểm thể chất con người Bắc Kạn để đào tạo, huấn luyện nâng cao thành tích thi đấu, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trình độ thể thao với các tỉnh trong khu vực và toàn quốc.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất cụ thể về giải pháp đó là tập trung nguồn lực đầu tư trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, trong đó tuyển chọn thành các tuyến đội tuyển năng khiếu bán tập trung, năng khiếu, tuyển trẻ, tuyển tỉnh; loại bỏ những môn thể thao không phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh (môn Bắn cung), đồng thời tăng số môn thể thao, số lượng VĐV đào tạo hằng năm ở 6 môn Taekwondo, Điền kinh, Kickboxing, Muay, Bóng bàn, Đẩy gậy, trung bình 49 VĐV đào tạo tập trung và 17 VĐV bán tập trung/năm.

Trong đó, giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2026, đào tạo tập trung từ 35 đến 39 đến VĐV/năm ở các tuyến của 4 môn thể thao hiện có là Điền kinh, Taekwondo, KickBoxing và Muay; phát triển mới thêm môn Đẩy gậy với 20 VĐV/năm được đào tạo theo hình thức bán tập trung. Phấn đấu đạt từ 18 - 25 huy chương/năm, 3 - 5 lượt VĐV kiện tướng, 6 - 8 lượt VĐV cấp I quốc gia/năm. Từng bước tăng số lượng VĐV được tập trung tại các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia.

Giai đoạn từ năm 2027 đến năm 2030, tăng số lượng VĐV đào tạo tập trung lên 60 VĐV/năm ở các tuyến của các môn Điền kinh, Taekwondo, KickBoxing, Muay; duy trì môn Đẩy gậy với 20 VĐV/năm được đào tạo theo tuyến bán tập trung; phát triển mới thêm môn Bóng bàn với 15 VĐV/năm, VĐV năng khiếu được đào tạo theo hình thức bán tập trung. Phấn đấu đạt từ 25 - 30 huy chương/năm, 6 - 8 lượt VĐV kiện tướng, 9 - 15 lượt VĐV cấp I quốc gia/năm. Tiếp tục tăng số lượng VĐV được tập trung tại các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia.

Để thực hiện các mục tiêu này, dự kiến ngân sách tỉnh cần bố trí khoảng gần 60 tỷ đồng để đảm bảo chi tiền lương, tiền hỗ trợ, dinh dưỡng cho HLV, VĐV; chi cho tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc; chi mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu. Cùng với đó là bố trí khoảng 19 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để xây mới nhà ở, sinh hoạt, học tập cho VĐV; xây dựng nhà tập luyện các môn thể thao; xây dựng sân tập luyện ngoài trời một số môn thể thao.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tỉnh tập trung đào tạo các VĐV ở 5 môn thể thao là Điền kinh, Taekwondo, Muay, Kicboxing và Bắn cung, số lượng đào tạo VĐV duy trì từ 24 đến 35 VĐV thuộc đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu. Trong giai đoạn 2016 - 2021, đã đào tạo được 13 lượt VĐV kiện tướng, 35 lượt VĐV cấp I, cung cấp 6 VĐV cho đội tuyển trẻ Quốc gia.

Bình quân hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập 7 đoàn VĐV tập huấn tham gia các giải toàn quốc. Do số giải tham gia thi đấu trong năm rất ít, trung bình mỗi môn tham gia được 1,4 giải, chưa đáp ứng nhu cầu tập huấn, thi đấu cọ sát, nâng cao trình độ chuyên môn cho HLV, VĐV, vì vậy thành tích thi đấu, thi đấu hạn chế, số lượng huy chương vàng đạt được rất ít và có xu hướng giảm dần, huy chương đạt được chủ yếu là huy chương bạc, đồng ở các giải quy mô thấp như giải vô địch trẻ, giải các nhóm tuổi, cúp các câu lạc bộ... Qua các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc, thành tích thi đấu và thứ hạng trên bảng tổng sắp huy chương có chiều hướng giảm, không theo kịp với sự phát triển chung của các tỉnh, thành trong khu vực miền núi và toàn quốc./.

Bích Huệ