PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/03/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số
Những năm gần đây, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số. Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo từng giai đoạn để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khám chữa bệnh cho người cao tuổi tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn

Theo thống kê, tại tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ người cao tuổi tăng qua các năm. Năm 1999, tổng số người cao tuổi toàn tỉnh chiếm 7% dân số, đến năm 2009 chiếm 8,2% dân số, năm 2015 chiếm 9,4% dân số. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số từ 60 tuổi trở lên của tỉnh Bắc Kạn là 32.765 người, chiếm tỷ lệ 10,4% trong tổng dân số của tỉnh. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới đời sống, kinh tế, xã hội, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống…, đặc biệt là hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều này sẽ tạo ra những thách thức rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của quốc gia nói chung, của tỉnh ta nói riêng và đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 01/8/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020” (tại Quyết định số 1102/QĐ-UBND).

Sau 3 năm thực hiện Đề án, công tác chăm sóc, cải thiện sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chương trình, dự án y tế được quan tâm triển khai, từng bước mở rộng có đối tượng chính là người cao tuổi như các dự án về phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư,…. Các chương trình, kế hoạch phối hợp khám chữa bệnh nhân đạo cho đối tượng là người cao tuổi cũng được các cơ sở y tế tích cực thực hiện.

Thông qua các hoạt động triển khai Đề án, người cao tuổi được cung cấp, tiếp cận các kiến thức về thực trạng già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; được cung cấp thông tin về một số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người cao tuổi. Cùng với đó, người cao tuổi được hướng dẫn phòng bệnh, khám sức khỏe định kỳ, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; người cao tuổi từ 80 trở lên, người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ chính sách và người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Theo thống kê của ngành chức năng, trong giai đoạn 2017 - 2020, số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt tỷ lệ 57,3%; số người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe chiếm tỷ lệ 58,3%; số người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 97,3%. Tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động của 8 Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, 16 Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đầy đủ tại các tuyến, nhân lực chuyên ngành Lão khoa còn thiếu. Một số bệnh nhân lớn tuổi, già yếu, đi lại khó khăn nên không thể đến bệnh viện khám chữa bệnh theo định kỳ. Kinh phí dành cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế. Người cao tuổi chưa có các biện pháp phòng ngừa, quản lý bệnh tật; phần lớn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ...

Chăm sóc và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người cao tuổi là trách nhiệm của xã hội, cộng đồng, gia đình. Để chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Bắc Kạn thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, ngày 11/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án chăm sóc người cao tuổi đến năm 2030 (tại Quyết định số 331/QĐ-UBND). Trong đó, Đề án đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể, sát thực như: Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, đạt 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, sa sút trí tuệ…) đạt 70% năm 2025, đạt 90% năm 2030; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; 100% người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế, được khám và điều trị tại nơi ở đạt 70% năm 2025, đạt 100% năm 2030; bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi đạt 70% vào năm 2025, đạt 100% vào năm 2030; thành lập Khoa Lão ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh chậm nhất vào năm 2025...

Để đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn chia thành 2 giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn 1 (2021 - 2025), tỉnh sẽ tập trung tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi. Xây dựng và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ Liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi, phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế cấp huyện bố trí khu giường điều trị người bệnh là người cao tuổi. Xây dựng bộ tiêu chí cấp xã thân thiện với người cao tuổi. Xây dựng, triển khai mô hình dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (mạng xã hội, Internet,…). Xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn, các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, quản lý và theo dõi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Giai đoạn 2 (2025 - 2030), tỉnh sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1; lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của chương trình đã triển khai có hiệu quả; bổ sung các giải pháp để thực hiện các hoạt động chưa đạt hiệu quả trong giai đoạn 1; tổ chức nhân rộng các mô hình đã triển khai thành công ở giai đoạn 1, ưu tiên cho các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mở rộng các mô hình./.

Bích Huệ