PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chặng đường vẻ vang 95 năm của tổ chức Công đoàn
Cách đây 95 năm, ngày 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong những năm 1925 - 1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào "vô sản hóa" đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ quyền lợi của công nhân. Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Công hội Đỏ đã tập hợp lực lượng tạo nên cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Cuối năm 1931, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam bị thực dân Pháp đàn áp dã man, hầu hết cán bộ Đảng và Công hội Đỏ đều bị địch bắt, phong trào công nhân gần như bị gián đoạn. Mặc dù vậy, Công hội Đỏ vẫn tích cực tuyên truyền, vận động công nhân, phát triển tổ chức. Từ năm 1932 - 1936, phong trào cách mạng trong cả nước bắt đầu phục hồi.

Từ năm 1936 - 1939, tổ chức Công hội Đỏ đổi tên thành Nghiệp đoàn Ái hữu và chuyển sang thời kỳ hoạt động bán công khai, nhờ vậy, phong trào công nhân giai đoạn này vẫn phát triển mạnh mẽ. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, tổ chức Nghiệp đoàn Ái hữu phải rút vào hoạt động bí mật và lấy tên là "Hội Công nhân phản đế" và đến năm 1941 đổi thành "Hội Công nhân cứu quốc".

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam. Năm 1945 với trên 20 vạn người, các đoàn viên Công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 3/1946, Hội nghị đại biểu Công nhân cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tổng Công đoàn Nam Bộ đã quyết định thống nhất về mặt tổ chức trên phạm vi cả nước thành "Hội Công nhân cứu quốc". Tháng 6/1946, tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cứu quốc đã đổi tên "Hội Công nhân cứu quốc" thành "Công đoàn". Ngày 20/7/1946, "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" đã chính thức được thành lập và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949.

Từ khi được thành lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, tham gia tích cực vào cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tập trung xây dựng nhà máy, công xưởng, sản xuất vũ khí, khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động phục vụ kháng chiến. Tại chiến khu Việt Bắc, từ ngày 1 - 15/1/1950, Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 21 Ủy viên chính thức và 4 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương được bầu làm Chủ tịch.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, đấu tranh kiên cường, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trước những yêu cầu mới, Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 - 27/2/1961 đã quyết định đổi tên "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" thành "Tổng Công đoàn Việt Nam". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 55 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch.

Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 11 - 14/2/1974 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra mục tiêu "Các cấp Công đoàn phải phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội với năng suất lao động, hiệu quả công tác, phục vụ và tham gia chiến đấu, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 72 Ủy viên, Ban Thư ký gồm 9 Ủy viên. Đồng chí Tôn Đức Thắng - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam.

Năm 1965, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam được thành lập và không ngừng được củng cố và phát triển, vừa tổ chức cho CNVCLĐ các thành phố đấu tranh, vừa động viên CNVCLĐ vùng giải phóng đẩy mạnh sản xuất phục vụ chiến đấu. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Công đoàn giải phóng đã vận động CNVCLĐ ở các đô thị đồng loạt nổi dậy, phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đã tạo điều kiện cơ bản để thống nhất tổ chức Công đoàn trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, từ tháng 1/1976, Tổng Công đoàn Việt Nam và Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện cho việc thống nhất tổ chức Công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngày 6/6/1976, Hội nghị Công đoàn toàn quốc đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam, Bắc thành "Tổng Công đoàn Việt Nam".

Trong bối cảnh đất nước tiến hành đổi mới, từng bước hội nhập, Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 17 - 20/10/1988 tại Thủ đô Hà Nội đã xác định mục tiêu: "Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội". Đại hội quyết định đổi tên "Tổng Công đoàn Việt Nam" thành "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam".

Đoàn viên công đoàn tại huyện Chợ Đồn được khám sức khỏe miễn phí nhân dịp
Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2024

Cùng sự phát triển mạnh mẽ của tổ chức Công đoàn Việt Nam, những năm qua, Công đoàn tỉnh Bắc Kạn ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình, là tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi, tin cậy, nòng cốt của Đảng, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, quyền lợi và là chỗ dựa vững chắc của hơn 18.200 đoàn viên Công đoàn. Hoạt động Công đoàn tiếp tục được đổi mới về nhiều mặt và đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tổ chức phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các hoạt động chăm lo về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động; phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày một lớn mạnh…

Phát huy truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng và phát triển, các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động trên cả nước tiếp tục nỗ lực rèn luyện, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Ngọc Tú