PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/05/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chợ Đồn phát triển sản phẩm OCOP
Năm 2022, huyện Chợ Đồn phấn đấu phát triển 3 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên; củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất 23 sản phẩm OCOP đã được công nhận.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Để phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương trên địa bàn, thời gian qua, huyện đã triển khai tốt các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP; quan tâm đào tạo, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn đăng ký nhãn mác, bao bì sản phẩm; tích cực quảng bá, hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại; tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích xây dựng các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng của huyện.

Để thực hiện tốt Chương trình OCOP, hằng năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình, xác định rõ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình đến các cấp, các ngành và tới người dân; củng cố nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận OCOP và phát triển sản phẩm mới.

Đến nay, toàn huyện có 23 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao, trong đó có 7 sản phẩm đồ uống và 16 sản phẩm thực phẩm. Các sản phẩm OCOP đã và đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển sản xuất cũng như khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Cùng với sự nỗ lực của các chủ thể OCOP, sự hỗ trợ trong hướng dẫn thực hiện thủ tục, đăng ký bao bì, mã vạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà xưởng, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm... đã giúp cho nhiều sản phẩm OCOP của huyện có chỗ đứng trên thị trường.

Sản phẩm bún khô của Hợp tác xã (HTX) Hồng Luân thông qua xây dựng sản phẩm OCOP đã phát huy giá trị sản phẩm đặc sản gạo Bao thai của Chợ Đồn. Nếu như trước đây, gạo Bao thai chỉ xuất bán với nguyên liệu thô thì nay thông qua sản xuất thành sản phẩm OCOP, sản phẩm bún khô đã nâng giá trị phục vụ nhiều đối tượng tiêu dùng và giá trị tăng thêm lên hơn 2 lần so với bán gạo truyền thống.

Sản phẩm bún khô của HTX Hồng Luân tại Điểm bán sản phẩm OCOP huyện Chợ Đồn

Còn sản phẩm rượu men lá Bằng Phúc của HTX Rượu men lá Thanh Tâm và của HTX Rượu men lá Bằng Phúc cùng tại thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc được công nhận sản phẩm OCOP đã góp phần nâng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, được người trong nước biết đến nhiều hơn. Từ đó, các HTX mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu đã được công nhận.

Với lợi thế lớn từ nông lâm nghiệp, nhiều sản phẩm được khai thác từ thế mạnh của địa phương đã tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Ngoài các sản phẩm từ lúa gạo thì các sản phẩm như chè Shan tuyết, trà hoa vàng, bột củ mài, măng khô, hồng không hạt… đã giúp cho người dân địa phương yên tâm phát triển kinh tế ngay trên chính quê hương mình.

Những lợi ích mà Chương trình OCOP mang lại góp phần cải thiện đời sống người dân. Nhiều hộ đã kết nối với nhau để xây dựng thương hiệu hàng hóa, chuyển đổi từ phương thức nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất tập trung. Vì vậy, chiếm số lượng lớn trong các sản phẩm OCOP của huyện là của các HTX, tổ hợp tác.

Để nâng cao hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Chợ Đồn tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện các thủ tục đăng ký lại đối với những sản phẩm đã được công nhận tiêu chuẩn 3 sao từ năm 2018.

Trong năm 2022 này, UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển 3 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên; củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, dự kiến sản phẩm rượu men lá Bằng Phúc của HTX Rượu men lá Bằng Phúc có truy suất nguồn gốc quy trình sản xuất cùng sản phẩm chè Matcha Shan tuyết của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Chế biến dược liệu Ngọc Thắng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất (từ 10 ha lên 14 ha và quy trình sản xuất tiên tiến ISO:22000). Cùng với đó là củng cố, phát triển các chủ thể OCOP đã tham gia Chương trình và hỗ trợ phát triển 1 tổ chức kinh tế mới tham gia Chương trình năm 2022.

Thời gian tới, huyện Chợ Đồn tiếp tục chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và xây dựng sản phẩm OCOP. Rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện Chương trình. Thúc đẩy phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với các chủ thể OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các hội chợ, hội thảo khoa học trong và ngoài tỉnh. Quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển, đưa thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương vươn xa và hội nhập thị trường./.

Hương Lan