PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/05/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chợ Mới quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nhằm chuyển đổi cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Chợ Mới đã phát triển các cây trồng lợi thế như cây chè, cây ăn quả… Từ đó, kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương có nhiều khởi sắc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dưa lê trồng trên đất ruộng mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân xã Như Cố 

Những năm qua, diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao được huyện mở rộng theo hướng hàng hóa, mang đặc trưng từng vùng, sản lượng tăng, tạo nguồn thu nhập cho người dân. Nếu như trước đây, người dân chỉ tập trung canh tác lúa, ngô thì hiện nay nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thâm canh, tăng vụ, đưa những cây trồng mới, kỹ thuật mới vào sản xuất. Cây ăn quả là một trong những cây trồng thế mạnh của huyện.

Là một trong những địa phương trồng mơ với diện tích lớn, hiện Chợ Mới có khoảng 380 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 250 ha, năng suất trung bình 70 tạ/ha. Trên địa bàn huyện có nhà máy chế biến mơ của Công ty TNHH Việt Nam MISAKI liên kết bao tiêu sản phẩm. Những năm trở lại đây, cây mơ đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, mỗi năm mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho người dân. Chợ Mới cũng đã có 2 sản phẩm mơ được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Cùng với cây mơ, cây chuối tây cũng là cây trồng được phát triển khá trong thời gian qua. Tận dụng diện tích đồi rừng, soi bãi, các gia đình đã chuyển đổi các cây trồng kém chất lượng và diện tích hoang hóa để phát triển cây chuối tây. Cây trồng này chủ yếu trồng ở xã Thanh Vận với diện tích trên 300 ha, trong đó có 10 ha được chứng nhận an toàn thực phẩm và 20 ha được chứng nhận VietGAP. Hiện nay, đã có 2 sản phẩm chế biến từ chuối được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, cây cam, quýt, bưởi hiện có tổng diện tích gần 300 ha, được huyện quy hoạch vùng trồng tại các xã Thanh Mai, Thanh Vận, Mai Lạp, Như Cố, Yên Cư và Yên Hân. Những năm qua, cây trồng này đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương. Nhiều diện tích đã được cải tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Còn cây chè được huyện xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trên địa bàn huyện có 570 ha chè trung du, 110 ha chè Shan tuyết, nhiều diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện có 5 sản phẩm chè của Chợ Mới được cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ở huyện Chợ Mới trong những năm gần đây. Trên những cánh đồng của huyện hiện đã có sự đan xen nhiều cây trồng mới cho hiệu quả kinh cao như mía, ớt, khoai tây. Đầu năm nay, cây dưa chuột Nhật Bản, một loại cây trồng ngắn ngày nhưng cho năng suất cao cũng đã được trồng thí điểm thành công tại Chợ Mới và hoàn toàn có thể mở rộng diện tích trong những vụ tới.

Hiện nay, người dân xã Như Cố đang bước vào vụ thu hoạch dưa lê, dưa hấu. Cây trồng này thực sự đã mang lại hiệu quả cao cho người dân. Khuân Bang là thôn đi đầu xã Như Cố trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây dưa lê trồng trên đất ruộng. Hiện nay, cây trồng này đã phát triển ra nhiều thôn của xã và các xã khác trong huyện. Nhờ cây trồng này mà người dân đã có thu nhập cao, không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Hộ trồng nhiều có thu nhập chục triệu đồng mỗi vụ.

Nhận thấy hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Chợ Mới đã đề ra kế hoạch phát triển cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Đối với từng loại cây trồng, huyện đề ra chỉ tiêu cụ thể về phát triển mới, thâm canh, cải tạo diện tích thoái hóa và mục tiêu được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm... Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng và nhu cầu của các hộ gia đình có đất đai phù hợp để phát triển các loại cây trồng thế mạnh, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường./.

Hương Lan