PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/09/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chủ động phòng, trừ sâu, bệnh hại lúa vụ mùa năm 2020
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động phòng, trừ sâu, bệnh hại lúa vụ mùa năm 2020.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Vụ mùa năm 2020, toàn tỉnh gieo cấy 14.061 ha lúa. Hiện nay, mùa sớm đang giai đoạn ngậm sữa, chắc xanh; lúa mùa chính vụ giai đoạn đứng cái, ôm đòng, trỗ bông. Nhìn chung, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tuy nhiên thời tiết mưa nhiều nên thuận lợi cho một số sâu, bệnh phát sinh và gây hại. Trong đó, sâu đục thân gây hại trên 2 trà lúa với mật độ hại phổ biến 1% dảnh, cá biệt 15% dảnh; tổng diện tích nhiễm 11 ha tại các huyện Bạch Thông, Chợ Mới; bọ rầy gây hại lúa mùa chính vụ với mật độ hại phổ biến 200-300 con/m2, cá biệt 4.000 con/m2; tổng diện tích nhiễm 26,8 ha tại các huyện Pác Nặm, Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông và thành phố. Ngoài ra, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh đốm sọc vi khuẩn, chuột gây hại nhẹ, rải rác.


Ảnh: Bệnh đạo ôn hại cây lúa

Để chủ động trong công tác phòng trừ và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất vụ mùa năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động phòng, trừ sâu, bệnh hại lúa vụ mùa năm 2020, trong đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, thực hiện công tác điều tra phát hiện và dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các sinh vật gây hại chính để chủ động chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về cách nhận biết và kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh hại cây trên cây lúa cho người dân. Hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng, trừ kịp thời một số sâu, bệnh gây hại trên cây lúa như bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh lùn sọc đen, bọ rầy, sâu đục thân, cụ thể như sau:

Bệnh đạo ôn: Theo dõi sát diễn biến của thời tiết, đặc biệt diện tích cấy giống nhiễm, diện tích trồng trong khe, diện tích thường xuyên bị nhiễm bệnh trong những vụ trước, năm trước... nhằm phát hiện để phòng, trừ kịp thời. Đối với những diện tích đã bị đạo ôn lá, cần thực hiện các biện pháp: Ngừng bón phân đạm, chất kích thích sinh trưởng hay phân bón lá chứa đạm. Phun trừ sớm bằng các loại thuốc: Filia® 525SE, Trizole 400SC/75WG, Fuji-one 40EC... Nếu bệnh phát triển mạnh thì có thể phun nhắc lại sau 5 - 7 ngày. Đối với những diện tích đã bị bệnh đạo ôn lá, cần lưu ý phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, thực hiện phun kép 2 lần, lần 1 khi lúa trỗ lác đác, lần 2 khi lúa vừa trỗ xong. Tiến hành phun vào buổi chiều mát, khi phun cần giữ nước trong ruộng 3-4cm, phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá, bông. Không phun thuốc khi trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong, lá lúa còn ướt. Những ruộng phun xong gặp mưa phải phun lại.

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh thường phát sinh sau mỗi đợt mưa dông và phát sinh gây hại trên những chân ruộng tốt, bón thừa đạm (lá xanh đậm). Do vậy, đối với những ruộng lúa tốt không sử dụng phân đạm để bón đón đòng; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện bệnh và tiến hành phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc như: Linacin 40SL/50WP, Kasuduc 3SL...

Bệnh lùn sọc đen: Theo dõi sát sao diễn biến của rầy lưng trắng (là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen), đặc biệt chú ý phòng, trừ bệnh ở những vùng có nguy cơ cao. Đối với ruộng lúa bị bệnh ở mức độ nhẹ và rải rác thì tiến hành nhổ và tiêu hủy cây lúa, khóm lúa bị bệnh; phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có) để hạn chế lây lan nguồn bệnh sang ruộng khác.

Bọ rầy: Theo dõi diễn biến của rầy, phun thuốc khi mật độ rầy khoảng 20 con/khóm trở lên. Đối với lúa giai đoạn trước trỗ bông, sử dụng thuốc nội hấp như: Sachray 200WP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP… Đối với diện tích lúa ở giai đoạn trỗ trở đi, phun trừ rầy bằng thuốc tiếp xúc như: Actara 25WG, Bassa 50EC, Tre bon 10EC...khi phun thuốc phải rẽ hàng thành băng rộng khoảng 0,8-1,2m để thuốc tiếp xúc trực tiếp với Rầy ở phần gốc lúa. Đối với những ruộng có mật độ rầy cao trên 50 con/khóm phải phun kép 2 lần, cách nhau 5 đến 7 ngày; dùng luân phiên các loại thuốc để tránh rầy kháng thuốc.

Sâu đục thân: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, với những diện tích mật độ sâu thấp, tiến hành ngắt dảnh héo đem tiêu hủy. Khi mật độ sâu cao thì tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc Patox 95SP, Gà Nòi 95SP, Voliam Targo 063SC... hoặc rải một trong các loại thuốc dạng hạt như Vibam 5H, Apashuang 10GR... để trừ sâu. Cần duy trì nước khi rải thuốc trong 3 - 5 ngày. Ngoài ra, cần chú ý theo dõi, chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại khác trên cây lúa như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu cắn gié, nhện gié...

Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương; hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân về tình hình phát sinh, phát triển và biện pháp phòng, trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa kịp thời để tăng hiệu quả trong công tác chỉ đạo sản xuất.

Các công ty, cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nông dân chủ động phòng, trừ sinh vật gây hại cây trồng./.

Nông Cúc