PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu của ngành chức năng và sự tham gia phối hợp tích cực của người dân, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ý thức PCCC của các cơ quan, đơn vị ngày càng được nâng cao
(Ảnh: Thiết bị PCCC tại cơ quan Văn phòng UBND tỉnh)

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 6.540 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, trong đó có 300 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Số cơ sở do cơ quan Công an quản lý là 951 cơ sở, do UBND cấp xã quản lý là 5.589 cơ sở; tăng 2.018 cơ sở so với năm 2020.

Để công tác PCCC trên địa bàn đạt hiệu quả cao, huy động được sự tham gia hưởng ứng tích cực của toàn dân, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC được đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức phong phú.

Từ năm 2020 đến nay, ngành chức năng và các địa phương đã phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh xây dựng 63 tin bài, 17 phóng sự tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC, các kỹ năng xử lý và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Công an các cấp trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền miệng thông qua các buổi kiểm tra, buổi họp và huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 31.447 người; phát 26.003 tờ rơi khuyến cáo, hướng dẫn PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH); hướng dẫn 307 cơ sở, khu dân cư treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, hưởng ứng các hoạt động PCCC và CNCH... Ngoài ra, ngành chức năng còn tổ chức tuyên truyền các nội dung khuyến cáo về PCCC bằng hình thức nhắn tin SMS đến 100% cơ sở thuộc diện quản lý; duy trì 11 hội nhóm trên mạng xã hội phục vụ công tác chuyên môn và tuyên truyền về PCCC; phối hợp tuyên truyền lưu động được 10 lượt tại các khu dân cư tập trung trên địa bàn.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC được quan tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công an tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã đã tổ chức kiểm tra 66.142 lượt cơ sở, thanh tra 13 lượt cơ sở, kiểm tra liên ngành 9 lượt. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 27 trường hợp vi phạm pháp luật về PCCC, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 45 triệu đồng.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương cũng như nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của các đơn vị cơ sở và quần chúng nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, từng bước phát huy được sức mạnh của toàn dân trong công tác PCCC. Hiện nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập đội dân phòng; 4.812 cơ sở đã thành lập đội PCCC cơ sở theo quy định. Ý thức chấp hành pháp luật về PCCC và hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC được nâng lên, nhờ đó, tình hình cháy, nổ trên địa bàn đã được kiềm chế, giảm cả về số vụ và thiệt hại.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy (không có vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng). Trong đó, cháy ở khu vực dân cư và các loại hình cơ sở khác 9 vụ, cháy rừng 3 vụ, cháy phương tiện giao thông 1 vụ; không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính 455 triệu đồng và 2 ha rừng. Nguyên nhân chủ yếu các vụ cháy là do sự cố về điện, sự chủ quan, bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. So với cùng kỳ 2020, giảm 11 vụ cháy (bằng 45,8%); thiệt hại giảm 521,5 triệu đồng (bằng 53,4%).

Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng, kinh doanh dịch vụ, du lịch, sản xuất, khai thác khoáng sản..., từ đó xuất hiện nhiều cơ sở trọng điểm tiềm ẩn các nguy cơ cháy, nổ cao. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh sẽ kéo theo sự gia tăng về số lượng các khu dân cư với mật độ dân cư đông, loại hình nhà liên kề, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khách sạn, cơ sở dịch vụ, khu vui chơi giải trí, cùng với nhu cầu sử dụng năng lượng điện, xăng, dầu, khí đốt của người dân và các cơ sở tăng mạnh,... cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, nâng cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động PCCC, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp về PCCC và CNCH. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH, cảnh báo các nguy cơ cháy nổ trên các phương tiện thông tin truyền thông; hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, cứu người khi xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn; hướng dẫn, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Phong trào Toàn dân tham gia PCCC và CNCH gắn với Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với đó là quan tâm, chú trọng nâng cấp hạ tầng cơ sở phục vụ công tác PCCC; đầu tư xây dựng trụ sở trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH; củng cố, nâng cao năng lực PCCC&CNCH của lực lượng tại chỗ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính quyền các cấp và các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư, xây dựng dự án, công trình; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, thi công các công trình xây dựng tại địa phương; xử lý nghiêm đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC; công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.../.

Bích Huệ