Độ tương phản
Điểm trường mầm non Bản Chiêng, thuộc Trường Mầm non Đôn Phong, huyện Bạch Thông cách điểm trường chính 4 km, có 23 em học sinh mầm non. Điểm trường này có 2 cô giáo thay nhau chăm sóc và giáo dục cho trẻ. Cô giáo Hoàng Thị Lan, giáo viên hiện đang công tác tại đây chia sẻ, 10 năm qua, cô được gắn bó với tất cả các điểm trường mầm non tại xã Đôn Phong. Đây là một xã đặc biệt khó khăn, có nhiều điểm trường xa xôi, đường đi rất khó khăn, hiểm trở và vắng vẻ. Đến nay, Điểm trường Nặm Tốc chưa có điện, chưa có sóng điện thoại, vì vậy, hành trình đến với bản làng của các cô giáo mầm non còn nhiều gian nan. Cô Lan bồi hồi nhớ lại kỷ niệm tại thời điểm cô công tác tại Điểm trường Nặm Tốc. Trong một ngày mưa đến trường, cô phải đi qua đoạn đường sạt lở rất nguy hiểm, một bên là núi lở, một bên là vực sâu, trong lòng thực sự cảm thấy bất an nhưng cuối cùng, cô cũng đã vượt qua để đến với các em.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đôn Phong, huyện Bạch Thông cho biết, các điểm trường mầm non tại đây còn nhiều khó khăn, đa số học sinh là người dân tộc thiểu số và có nhiều em gia đình thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy, việc phối hợp thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ gặp nhiều khó khăn. Với những cô giáo trẻ lần đầu xa nhà sẽ không tránh khỏi một chút buồn, thậm chí đôi khi còn hụt hẫng khi đến công tác tại những bản làng chưa có điện, chưa có sóng điện thoại. Mặc dù vậy, các cô giáo vẫn yêu công việc mà mình đã lựa chọn, giống như “người mẹ thứ hai của trẻ”, các cô tận tình chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Tình yêu thương của các cô là mạch nguồn nuôi dưỡng, giúp trẻ lớn lên mỗi ngày.
Ở các điểm trường mầm non tại Đôn Phong, đa số là lớp ghép, trong đó có lớp có tới 4 độ tuổi, từ 2 đến 5 tuổi, vì vậy, khối lượng công việc của các cô rất lớn. Để kịp thời động viên, chia sẻ với các cô giáo “cắm bản”, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên thăm nắm tình hình giáo viên tại các điểm trường, thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với giáo viên như chế độ dạy lớp ghép, phụ cấp thu hút, động viên khen thưởng kịp thời để tiếp thêm động lực cho các cô giáo. Cô Phương bày tỏ mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để giáo viên dạy tại các điểm trường có thêm điều kiện phát triển bản thân và có thêm những chế độ ưu đãi đối với giáo viên dạy lớp ghép.
Pác Nặm là huyện vùng cao có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, tại địa bàn huyện có trên 60% các trường có điểm trường lẻ. Trong đó, bậc tiểu học có 40 điểm trường, bậc mầm non có 60 điểm trường. Việc hình thành các điểm trường ngay tại thôn bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh mẫu giáo và tiểu học vùng cao đến lớp được dễ dàng hơn, chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi nhờ đó đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khó khăn trong công tác huy động học sinh đến trường và công tác giáo dục của địa phương.
Công tác tại Điểm trường Khâu Vai, thuộc Trường Tiểu học Bộc Bố, huyện Pác Nặm đã hơn 25 năm, cô giáo Lý Thị Chung đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết đối với các học trò người Mông, người Dao nơi đây. Ngôi trường nhỏ bé trên núi cao, nơi đang có hơn 70 em học sinh của 2 thôn Khâu Phảng, Khâu Vai theo học đã trở thành ngôi nhà chung, nơi nuôi dưỡng các em khôn lớn và trưởng thành. Cô Chung cho biết, mặc dù điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, vất vả song bản thân cô luôn yêu nghề, đổi mới từng bài giảng để tạo hứng thú cho các em, tích cực tuyên truyền vận động phụ huynh tạo điều kiện cho các em đến lớp.
Trên những bản làng vùng cao vẫn còn đó biết bao khó khăn vất vả, nhưng ở đó vẫn có những người thầy lặng thầm bám bản để trao truyền con chữ, mang tới hơi ấm và niềm hy vọng./.
Công tác văn hóa, văn nghệ đảm bảo đúng định hướng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương (08/12/2023)
Phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch bền vững vùng ATK Chợ Đồn (07/12/2023)
Quan tâm đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội (07/12/2023)
Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nổi bật, hấp dẫn sẽ diễn ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 (05/12/2023)
Bắc Kạn đẩy mạnh truyền thông về quyền con người (05/12/2023)