PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/07/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cơ hội phát triển cho vùng cam, quýt Bạch Thông
Là vùng trọng điểm trồng cây cam, quýt của huyện Bạch Thông cũng như của toàn tỉnh, xã Quang Thuận đứng trước cơ hội phát triển khi Dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được triển khai.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo Quyết định 664/QĐ-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sẽ đầu tư xây dựng 15 tuyến đường giao thông trục chính với tổng chiều dài gần 35 km vào các khu sản xuất và kết hợp với giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B và C, tổng kinh phí thực hiện 60 tỷ đồng. Dự án triển khai tại 4 huyện: Bạch Thông, Chợ Mới, Chợ Đồn và Ba Bể. Riêng đối với huyện Bạch Thông được đầu tư xây dựng các tuyến đường gồm: Tuyến đường Khuổi Hiu, thôn Nà Vài; tuyến đường Khuổi Khoang, thôn Khuổi Piểu; tuyến đường thôn Nà Hin, Nà Thoi, Boóc Khún cùng thuộc xã Quang Thuận với tổng chiều dài hơn 6,4 km.

Người dân phải leo đồi, băng suối để vào khu sản xuất cam, quýt thuộc thôn Nà Hin, Nà Thoi, Boóc Khún

Gia đình chị Lý Thị Đôi, thôn Nà Thoi là một trong những hộ có diện tích quýt khá lớn ở Quang Thuận với khoảng 6 ha. Những năm được giá, được mùa, gia đình chị Đôi thu được khoảng 1 tỷ đồng từ loại cây trồng chủ lực này. Tuy nhiên, để kiếm được đồng tiền từ những vườn quýt là điều không đơn giản bởi công sức bỏ ra để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt là công thu hái, vận chuyển quýt là rất lớn.

Chị Lý Thị Đôi chia sẻ: “Đồi quýt cách nhà chừng 4 km thì một nửa là đường mòn dốc trơn trượt và băng qua suối. Vào mùa quýt mỗi ngày, tôi phải qua lại gần chục lần, mỗi lần đèo trên xe hơn tạ quýt. Đường khó, tải nặng nên chuyện bị đổ xe hay thủng lốp giữa suối là bình thường, chi phí vận chuyển vì thế cũng khá lớn. Gia đình và bà con có vườn đồi canh tác trong đây ai cũng mong được đầu tư làm đường để việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.

Theo thống kê sơ bộ, xã Quang Thuận có hơn 600 ha cây ăn quả, khoảng 60% diện tích trong số này không có đường giao thông hoặc giao thông đi lại khó khăn. Điều này khiến cho chi phí sản xuất người dân tăng lên, đồng thời cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng người dân chưa chú trọng khâu chăm sóc cây trồng dẫn đến vườn quýt thoái hóa nhanh, năng suất giảm.

Nhận thức được tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát triển bền vững vùng trồng cây ăn quả, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân hưởng lợi đã chủ động phối hợp với cấp, ngành chức năng của tỉnh triển khai những nội dung cụ thể. Dự án không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng nên địa phương tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất để mở đường vào các khu sản xuất.

Trưởng thôn Boóc Khún Nguyễn Thị Thầm cho biết, theo sự chỉ đạo của xã, thôn Nà Thoi và Boóc Khún đã tổ chức buổi họp chung với các hộ dân nằm trong diện cần hiến đất (chủ yếu là đất đồi rừng) để làm đường vào khu sản xuất. Được giải thích rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Dự án, đa số các hộ dân đồng tình ủng hộ, gồm cả những hộ có đất trồng lúa. Đối với những hộ còn chút băn khoăn hoặc chưa đồng thuận hiến đất mở đường, lãnh đạo thôn sẽ tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục tất cả vì lợi ích dài lâu của cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa kiểm tra tiến độ thực hiện các tuyến đường thuộc Dự án phát triển
cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại xã Quang Thuận

Theo Bí thư Đảng ủy xã Quang Thuận Lương Ngọc Quyến, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là rất cần thiết và có tác dụng thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp của địa phương. Nếu có đường vào tận khu sản xuất, chắc chắn người dân sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, chi phí cho các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch cam quýt. Việc cải tạo, thâm canh cây cam, quýt thuận lợi hơn, đồng nghĩa với giá trị kinh tế của những đồi cây ăn quả được nâng lên. Do đó, Đảng ủy xã đang chỉ đạo UBND xã, các đoàn thể và các thôn tập trung triển khai phần việc được giao nằm trong nội dung Dự án, trọng tâm là vận động, thuyết phục các hộ dân hiến đất làm đường. Đến nay, cơ bản các hộ dân đều đồng thuận trong việc hiến đất nếu đường đi qua và mong đợi dự án sớm triển khai.

Ông Đinh Huy Hoàng - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện tại, Dự án đã lựa chọn nhà thầu tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, dự kiến sang tháng 10 có thể khởi công. Để Dự án tiến triển thuận lợi, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và người dân, nhất là về mặt bằng thi công.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, tạo vùng cây ăn quả khoảng 1.300 ha (trong đó có diện tích tăng thêm khoảng 600 ha) theo định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái. Đồng thời hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn./.

Thu Trang