PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/08/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cơ sở miến dong Luyến Uyên từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Cơ sở sản xuất miến dong Luyến Uyên ở thôn Khau Ngòa, xã Cư Lễ, huyện Na Rì từng bước khẳng định được thương hiệu mang tên mình, hằng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Những sợi miến được phơi rất khô

Một ngày ở Cơ sở sản xuất miến dong Luyến Uyên, mọi việc diễn ra khẩn trương, từ 5h sáng, công nhân bắt đầu làm việc. Từ khâu đánh bột, pha bột, tráng, phơi, cắt miến, đóng thành gói và đưa đi tiêu thụ, mọi công đoạn đều được làm một cách tỉ mỉ. Thời điểm này, Cơ sở đang chuẩn bị sản xuất vụ chính (từ tháng 9 đến giáp Tết Nguyên đán) để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm.

Ông Nông Văn Luyến - Chủ cơ sở cho biết, trước khi khởi nghiệp, ông đã đi học tập kinh nghiệm sản xuất miến ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm 2013, ông cùng gia đình quyết định thành lập Cơ sở sản xuất miến dong Luyến Uyên. Cơ sở đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng 1.500 m2 để hoàn thiện dây chuyền tráng miến, tuy nhiên bước đầu gặp không ít khó khăn nên chỉ sản xuất nhỏ lẻ, do gia đình tự làm. Sau một thời gian sản xuất, được khách hàng biết đến nhiều hơn và dần có được chỗ đứng trên thị trường, ông đã đầu tư củng cố thêm nhà xưởng, mua thêm nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng.

Ông Luyến chia sẻ, trước đây, việc sản xuất diễn ra rất chậm, vất vả, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Những ngày trời mưa, ẩm, miến tráng xong chưa kịp phơi sẽ bị hỏng. Đến nay, Cơ sở đã đầu tư nồi hơi công nghiệp nên việc tráng miến được nhanh hơn, hơn nữa, khi thời tiết không thuận lợi, sau khi miến tráng xong, có thể sấy khô ngay mà chất lượng vẫn được đảm bảo. Cũng nhờ vậy, hoạt động sản xuất và chế biến dần đi vào ổn định, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm được bảo đảm. Trung bình mỗi ngày, Cơ sở sản xuất được khoảng 500 kg miến khô, gồm 2 loại là miến sợi to và sợi nhỏ, được đóng gói 0,5 kg và 1 kg; giá bán tại xưởng là 55.000 đồng/1kg. Cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 công nhân, thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng, vào dịp gần Tết, số công nhân tăng lên với khoảng 12 người. Từ làm miến dong, trừ mọi chi phí, Cơ sở thu lãi khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Để sản xuất được những sợi miến ngon, đảm bảo chất lượng, theo ông Luyến, khâu làm bột là quan trọng nhất. Cơ sở sử dụng tinh bột từ cây dong riềng do các hộ dân trồng tại địa phương, yêu cầu các hộ dân trồng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật do các ngành chuyên môn hướng dẫn. Mỗi năm, Cơ sở bao tiêu khoảng 35 ha cây dong riềng trên địa bàn các xã Cư Lễ và Sơn Thành (huyện Na Rì). Những củ dong riềng đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ được thu mua mang về Cơ sở để sản xuất, chế biến. Trong quá trình sản xuất, Cơ sở đặc biệt chú ý các khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với nâng cao chất lượng, Cơ sở cũng tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, khai thác và tìm kiếm, mở rộng thị trường. Nếu như trước đây chủ yếu tiêu thụ theo hình thức bán lẻ tại địa phương thì đến nay, Cơ sở đã mở rộng thị trường tới nhiều địa phương trong cả nước, ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, đến năm 2019, sản phẩm miến dong Luyến Uyên được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, qua đó góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, mang lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Theo cảm nhận của khách hàng, sản phẩm miến dong Luyến Uyên dai giòn và có hương vị thơm ngon tự nhiên.

Sản phẩm miến dong của Cơ sở Luyến Uyên

Ông Nông Văn Luyến chia sẻ thêm: “Cơ sở được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn” từ tháng 2/2017. Năm 2018, Cơ sở sản xuất được 6 tấn miến, thu được trên 300 triệu đồng. Từ khi sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn” thì sản phẩm của Cơ sở tiêu thụ tăng cao so với trước kia. Đây là tiền đề quan trọng để Cơ sở nâng tầm thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Về những dự định trong tương lai, ông Luyến mong muốn mở rộng hơn nữa cơ sở sản xuất bởi số lượng miến làm ra hiện tại chưa đáp ứng được nguồn cung của thị trường; thay đổi quy cách đóng gói phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh./.

Ngọc Tú