PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Công nghiệp Bắc Kạn: Phát huy tối đa thế mạnh của địa phương
Trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có bước phát triển theo đúng định hướng. Đến nay, các ngành công nghiệp như: Công nghiệp chế biến nông - lâm sản; công nghiệp chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng… đã có những đóng góp nhất định cho kinh tế của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tái cơ cấu khu vực công nghiệp

Để hoàn thành mục tiêu: “Đến năm 2020, công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá...”, những năm qua, Bắc Kạn đã thực hiện cơ cấu lại khu vực công nghiệp. Theo đó, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện các Đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp như: Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, có xét đến năm 2025, đồng thời điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020; ban hành Danh mục các dự án công nghiệp thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; ban hành chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025; ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn…

Ảnh: Một góc Nhà máy điện phân chì kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh

Tỉnh tập trung khuyến khích sản xuất các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị gia tăng cao; hướng tới những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn; sử dụng công nghệ cao trong chế biến khoáng sản, chế biến nông - lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng như: Chì kim loại, sắt xốp, ván ép, ván MDF, viên nén gỗ, miến dong, gạch không nung... Đến nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án công nghiệp đang đầu tư xây dựng như: Dự án nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn, công suất 30.000 tấn kẽm chì/năm của Công ty TNHH Ngọc Linh đã đưa vào hoạt động hạng mục dây chuyền lò quay sản xuất ô xít kẽm, dây chuyền lò thiêu tầng sôi sản xuất ô xít kẽm và axit sunfuaric; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn đã cơ bản hoàn thành công tác lắp đặt dây chuyền thiết bị; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến lâm sản, công suất 2.800 tấn đũa gỗ xuất khẩu/năm, 3.500 m3 phôi gỗ ván ghép thanh/năm và 3.200 tấn dăm gỗ/năm của Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn đã hoàn thành một số hạng mục và đưa vào vận hành dây chuyển sản xuất đũa gỗ; Dự án chế biến gỗ GOVINA công suất 7.000 m3 gỗ dán/năm hoạt động ổn định; Dự án sản xuất gỗ Lechenwood Việt Nam của Công ty Lechenwood Việt Nam công suất 30.000 m3 gỗ dán/năm và 200.000 m2 gỗ sàn/năm đã hoạt động sản xuất, hiện đang được tiếp tục đầu tư hoàn thiện dây chuyền sản xuất để đảm bảo đáp ứng đủ công suất thiết kế.

Cùng với đó, xác định nhà máy thủy điện nhỏ và vừa là hình thức sản xuất năng lượng sạch không gây ô nhiễm, lại phù hợp với điều kiện địa hình của địa phương, Bắc Kạn đã tạo điều kiện cho 3 nhà máy có tổng công suất 10MW vận hành với sản lượng điện bình quân hằng năm là 45.000.000 kWh; doanh thu trên 50 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 10 tỷ đồng. Hiện một số nhà máy thủy điện cũng đang tiếp tục được đầu tư xây dựng...

Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đến nay, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước tăng trưởng nhất định. Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh: Dự báo tổng sản phẩm (GRDP) ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,66%/năm; đến năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP của tỉnh (theo giá hiện hành) là 7%; năng suất lao động khu vực công nghiệp ước đạt 65 triệu đồng/lao động, bằng 114% bình quân năng suất chung cả tỉnh.

Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tiếp theo, Bắc Kạn tiếp tục phát triển công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế biến; tích cực ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, hoàn thành Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình - giai đoạn II, đưa vào sử dụng và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật ít nhất 02 cụm công nghiệp; thu hút một số dự án mới đầu tư chế biến nông, lâm sản, dược liệu, công nghiệp hỗ trợ... vào Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II và các cụm công nghiệp. 

Trong cơ cấu nội ngành công nghiệp, đối với công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tập trung mạnh vào những ngành có lợi thế nguồn nguyên liệu của tỉnh; phát triển nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao, quy mô lớn; xây dựng mới các cơ sở chế biến tập trung cân đối với quy mô nguồn nguyên liệu; ưu tiên cho việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến sản xuất sản phẩm chất lượng cao, hướng tiêu thụ ra thị trường ngoài tỉnh và phục vụ xuất khẩu; ổn định các dự án, nhà máy công nghiệp hiện có; đôn đốc các dự án công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đi vào hoạt động; tiếp tục thu hút, kêu gọi các dự án công nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm sản, lĩnh vực thiết bị điện, điện tử; lĩnh vực dệt may - da giầy…

Về công nghiệp khai thác, tập trung khai thác các khoáng sản có giá trị kinh tế mà tỉnh đang có lợi thế như quặng chì, kẽm, quặng sắt, sắt mangan, quặng vàng gốc để đưa vào chế biến sâu đảm bảo đủ nguyên vật liệu cho các cơ sở luyện kim của tỉnh; đa dạng hoá quy mô khai thác khoáng sản; chú trọng công tác thăm dò tìm kiếm mỏ mới, trữ lượng mới, đồng thời thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực sự để đầu tư trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Đối với công nghiệp sản xuất và phân phối điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy điện hiện có; hoàn thành việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Bắc Kạn để kêu gọi nhà đầu tư; triển khai dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện để nâng số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên toàn tỉnh.

Riêng sản xuất tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, tập trung khôi phục phát triển, tạo thương hiệu cho các làng có nghề, sản phẩm truyền thống; phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, sản xuất các sản phẩm mang tính truyền thống, tập quán của địa phương gắn với dịch vụ du lịch./.

Thu Cúc