PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/05/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Công tác đào tạo tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn – Còn đó những khó khăn
Hiện nay, Trường Cao đẳng Bắc Kạn triển khai đào tạo đa ngành, nghề theo 3 cấp trình độ là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Đồng thời, tổ chức dạy và học hệ giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (THPT), bồi dưỡng giáo viên mầm non theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy vậy, hoạt động đào tạo của Nhà trường đang gặp nhiều khó khăn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Học sinh Trường Cao đẳng Bắc Kạn đang thực hành nghề sửa chữa ô tô

Đào tạo theo nhu cầu xã hội

Trường Cao đẳng Bắc Kạn được thành lập năm 2020 trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn vào Trường Cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Kạn. Trường có tổng diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thực tập, nghiên cứu là 13.889 m2, cơ bản đáp ứng quy mô đào tạo từ 1800 - 2500 học sinh, sinh viên. Ngoài ra, Nhà trường hiện có đầy đủ các hạng mục phụ trợ khác đáp ứng cơ bản yêu cầu đối với một trường cao đẳng như ký túc xá, thư viện, hội trường lớn, căng tin, khu thể thao…

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn Trịnh Tiến Long chia sẻ: “Nhà trường luôn bám sát quan điểm lấy người học làm trung tâm; sự phản hồi, đánh giá của doanh nghiệp sử dụng lao động làm thước đo chất lượng đào tạo. Hiện nhà trường đã ký kết hợp tác với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong hợp tác đào tạo, tuyển dụng nguồn lao động”.

Được biết, Nhà trường thường xuyên cử cán bộ theo dõi, nắm bắt nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp để định hướng đào tạo, đảm bảo học viên ra trường có thể làm tốt công việc ngay. Từ đó, Trường đang đào tạo nhiều ngành nghề theo nhu cầu xã hội, bao gồm các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp như Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ ô tô, Điện, Hàn, Kỹ thuật xây dựng cùng các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp như Thú y, Trồng trọt và bảo vệ thực vật… Đối với lĩnh vực giáo dục, Nhà trường đang đào tạo chuyên ngành Sư phạm Mầm non, giáo dục thường xuyên cấp THPT. Ngoài ra, Nhà trường có một số lĩnh vực đào tạo khác như Kế toán, Tin học, Lập trình và phân tích hệ thống, Kỹ thuật chế biến món ăn và Lái xe ô tô các hạng B1, B2, C.

Còn đó những khó khăn

Trường Cao đẳng Bắc Kạn được thành lập trong bối cảnh Luật Giáo dục năm 2019 bắt đầu có hiệu lực, đồng nghĩa với việc quy mô đào tạo ngành Sư phạm của Trường Cao đẳng Cộng đồng cũ bị thu hẹp đáng kể. Hiện một số giáo viên chuyên ngành của ngành Sư phạm bị dư thừa. Trong khi đó, nhu cầu đào tạo các nghề kỹ thuật tăng, nhất là một số nghề trọng điểm như Điện, Công nghệ ô tô thì giáo viên cơ hữu lại không đáp ứng đủ. Việc ký hợp đồng giáo viên thỉnh giảng chỉ được phép không quá 40% trong khi nguồn giáo viên đều ở tỉnh ngoài, đơn giá thuê cao, hơn nữa nguồn ngân sách cấp ngày càng giảm.

Đáng chú ý, Nhà trường hiện sử dụng 33 hợp đồng lao động, trong đó có 28 lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ. Theo Đề án sáp nhập trường và chủ trương tinh giản biên chế, đến năm 2025, Nhà trường không được sử dụng hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ, trong khi vẫn phải tiếp tục cắt giảm khoảng 10% biên chế giai đoạn 2021 - 2025. Đây là vấn đề đặc biệt cần quan tâm, nếu không có biện pháp tháo gỡ sẽ khó có thể duy trì sự tồn tại Nhà trường sau năm 2025.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn Trịnh Tiến Long cho biết: "Nhà trường hiện rất cần sự quan tâm hơn nữa của tỉnh để xây dựng Trường trở thành trung tâm đào tạo và khoa học lớn, có chất lượng chuẩn đầu ra ở tầm khu vực và dần vươn tới quốc gia. Nhà trường chủ yếu đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, do đó, mong muốn tỉnh kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét tiếp tục cho Trường được hưởng các chính sách đối với một cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu về quy mô, chất lượng đào tạo, đảm bảo điều kiện đạt chuẩn trường cao đẳng cấp quốc gia”…/.

Ngọc Tú