PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh - còn đó những nỗi lo
Trong năm qua, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, những nỗi lo cần được giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả PCCC tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhiều ẩn họa từ “bà hỏa”

Những tháng cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ cháy nhà, nguyên nhân chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện, cháy do sơ xuất bất cẩn trong việc sử dụng lửa, nhiệt, rất may không có thiệt hại về người.

Vụ cháy nhà xảy ra tại thôn Bản Cảm, xã Cổ Linh, huyên Pác Nặm

Trung tuần tháng 12/2020, tại thôn Bản Cảm, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm đã xảy ra một vụ cháy nhà do bất cẩn khi đun bếp sưởi lửa làm cháy một nửa ngôi nhà và nhiều tài sản của hộ gia đình anh Lý Văn Lầu. Vào thời điểm trên, những người lớn trong gia đình anh Lầu đều đã đi làm, ở nhà chỉ còn cháu nhỏ. Do thời tiết lạnh nên cháu bé đã dùng vỏ và cùi ngô để đun bếp sưởi ấm. Vì bất cẩn nên lửa đã cháy lan sang những bao vỏ ngô mà gia đình dùng để đun nấu ở gần đó và bùng lên gây cháy nhà. Đến khi người dân xung quanh phát hiện vụ việc thì lửa đã cháy lớn. Sau đó, lửa được dập tắt nhưng toàn bộ ngôi nhà bếp đã bị cháy hoàn toàn và cháy lan sang một phần ngôi nhà chính 5 gian. Vụ cháy đã gây thiệt hại về căn nhà và hư hỏng nhiều tài sản phục vụ sinh hoạt khác, trong đó có khoảng 1 tấn ngô là nguồn lương thực của 5 nhân khẩu trong gia đình anh Lý Văn Lầu đã bị cháy hoàn toàn.

Trước đó vài ngày (12/12), tại xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn xảy ra vụ hoả hoạn thiêu rụi hoàn toàn căn nhà sàn của gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên, thôn Nà Cà. Ngay sau khi phát hiện, người dân khẩn trương đến hỗ trợ dập lửa, tuy nhiên do ngọn lửa bốc cháy dữ dội, thiếu phương tiện chữa cháy nên chỉ kịp cứu một số tài sản, còn lại nhiều vật dụng khác trong căn nhà đều bị thiêu rụi, ước thiệt hại khoảng trên 170 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện.

Chập điện là một trong những nguyên nhân chính gây cháy nổ ở các cơ quan, đơn vị, nơi công cộng và các hộ dân. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị điện đôi khi chưa được người dân coi là yếu tố an toàn quan trọng về cháy nổ. Việc bảo đảm an toàn về cháy nổ trước công tơ điện do ngành điện chịu trách nhiệm, nhưng sau công tơ điện lại thuộc về chính các hộ dân. Khi xây dựng nhà ở, việc chọn loại dây điện nào, đấu nối ra làm sao đều do ý thích, điều kiện và hiểu biết của chủ nhà hoặc kinh nghiệm của những thợ điện nghiệp dư. Dạo quanh các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố dễ dàng nhận thấy sự mất an toàn về cháy nổ. Không gian nhỏ hẹp, lối đi lại chật chội, nhiều loại phế liệu dễ gây cháy nổ được chất đống ngay nơi sinh hoạt của cơ sở thu mua là những mối ẩn họa cho những hộ dân sinh sống bên cạnh.

Tăng cường tuyên truyền PCCC

Diễu hành tuyên truyền nhân Ngày Toàn dân PCCC (4/10)

Trước thực trạng trên, trong năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tích cực chủ động tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh và chính quyền các cấp chỉ đạo các nội dung về công tác PCCC&CNCH phù hợp với tình hình kinh tế - chính trị, khí hậu… tại địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn về PCCC&CNCH được đơn vị đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả. Cụ thể như, năm 2020 đã tổ chức tuyên truyền miệng trực tiếp tại 270 khu dân cư, cơ sở với tổng số 9.465 người tham gia. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố, UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền kiến thức về PCCC thông qua loa phát thanh, đài FM tại 100% các khu dân cư, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 1.017 lượt trong tổng thời gian 165 giờ. Phối hợp với các cơ sở tổ chức game show mini và phát 15.811 tờ rơi tuyên truyền kiến thức về an toàn PCCC.. Hướng dẫn 1.055 cơ sở tổ chức thực tập phương án chữa cháy và phương án CNCH.

Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập, củng cố và kiện toàn 525 đội dân phòng. Trong đó, thành phố Bắc Kạn và các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn đã thành lập và kiện toàn đội dân phòng đến cấp thôn. Hai huyện Ngân Sơn, Pác Nặm thành lập, kiện toàn đội dân phòng đến cấp xã.

Song song với những biện pháp trên thì công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC&CNCH tại các cơ quan, tổ chức và cơ sở trên địa bàn cũng được đẩy mạnh với tổng số 942 lượt trong năm. Kiểm tra kết hợp tuyên truyền tại 1.040 cơ sở, 17 phương tiện vận tải hành khách và 39 lượt phương tiện vận chuyển chất hàng nguy hiểm cháy nổ.

Với việc chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nêu trên, tình hình cháy, nổ trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã giảm 06 vụ so với cùng kỳ năm 2019, thiệt hại về tài sản giảm 508,5 triệu đồng, đặc biệt không để xảy ra vụ nổ, cháy lớn lan rộng.

Sớm xây dựng các đội PCCC chuyên nghiệp tại các địa phương

Phương châm “4 tại chỗ” là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ được hầu hết các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, với các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở thì hiệu quả chỉ được phát huy với những đám cháy mới khởi phát, còn khi có cháy lớn thì cần đến lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp với trang thiết bị, phương tiện hiện đại.

Bán kính phục vụ của xe cứu hỏa là 5 km nhưng thực tế xe cứu hỏa của tỉnh phục vụ với bán 
kính gấp nhiều lần

Thượng tá Nguyễn Ngọc Trìu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết, hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, với mô hình tổ chức bộ máy, biên chế gồm 05 đội công tác. Đa số cán bộ, chiến sĩ và phương tiện PCCC của tỉnh đều tập trung ở thành phố Bắc Kạn, một bộ phận tại huyện Chợ Mới, còn lại các huyện khác trong tỉnh chưa có đội PCCC chuyên nghiệp. Với địa hình rộng, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn như Bắc Kạn thì việc ứng cứu khi hỏa hoạn xảy ra tại các địa bàn xa trung tâm tỉnh gặp rất nhiều trở ngại. 

Theo quy định bán kính phục vụ của xe cứu hỏa chỉ là 5 km nhưng thực tế xe cứu hỏa của tỉnh phục vụ với bán kính gấp nhiều lần. Trong khi đó, trang thiết bị, phương tiện của Đội PCCC chuyên nghiệp của tỉnh vừa thiếu, lạc hậu, không đồng bộ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả PCCC. Có đến 80% số xe chữa cháy đã hoạt động gần 40 năm, đây là những xe chữa cháy đã qua sử dụng do nước ngoài viện trợ nên thường xuyên xảy ra hư hỏng, khó sửa chữa do không có thiết bị thay thế, ảnh hưởng lớn đến công tác chữa cháy và CNCH.

Nước xa không cứu được lửa gần, từ thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC, sớm xây dựng các Đội PCCC chuyên nghiệp tại các địa phương theo đề án đã được phê duyệt để nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn tỉnh./.

Thu Trang