PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
COP26: Nỗ lực và kỳ vọng cho mục tiêu giảm khí phát thải toàn cầu
Hôm nay (12/11) là ngày làm việc cuối cùng của hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Với vai trò là nước chủ trì COP26, nước Anh đã công bố dự thảo đầu tiên về tuyên bố chung của hội nghị. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cũng đã ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Quang cảnh Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh ngày 31/10. Ảnh: Reuters

Quang cảnh Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland,
Vương quốc Anh ngày 31/10. Ảnh: Reuters

Những cam kết được đưa ra tại hội nghị        

Sau gần 2 tuần làm việc, Hội nghị COP26 đã đưa ra được một số cam kết quan trọng và nếu các cam kết này được các nước thực hiện đúng như đã hứa thì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ đạt được bước tiến lớn trong 1 thập kỷ tới. Cụ thể như sau: Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về vấn đề rừng và việc sử dụng đất, theo đó 137 nhà lãnh đạo các quốc gia đã cam kết hành động để ngăn chặn việc phá rừng cũng như xói mòn đất vào năm 2030.

Tuyên bố này tương tự như tuyên bố đã được đưa ra tại New York trước đó nhưng tại COP26, một số quốc gia lớn đã đồng ý ký vào Tuyên bố, trong đó đáng kể nhất là Trung Quốc và Brazil, hai trong số những quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới cũng như có diện tích rừng đặc biệt quan trọng với Trái đất. Nếu 137 quốc gia thực hiện cam kết này đầy đủ, giới chuyên gia môi trường ước tính lượng khí thải carbon cắt giảm được sẽ vào khoảng 1,1 tỷ tấn.

Cam kết quan trọng thứ hai là việc 108 nước, trong đó có Mỹ và EU, cam kết với sáng kiến cắt giảm khí metan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau khí CO2. Mục tiêu được đưa ra là giảm được 30% lượng khí mê-tan trên toàn cầu từ nay đến 2030. Khi đó, lượng khí thải được cắt giảm sẽ tương đương 0,8 tỷ tấn CO2. Nếu các nước còn lại cũng tham gia vào cam kết này, lượng cắt giảm có thể tăng lên gấp 7 lần.

Cam kết quan trọng tiếp theo là về việc chuyển đổi năng lượng từ than đá sang các nguồn năng lượng sạch khác, theo đó từ những năm 2030 các nền kinh tế lớn sẽ dần chấm dứt việc sử dụng than đá còn các nền kinh tế đang phát triển sẽ bắt đầu từ những năm 2040. Ngoài ra, 46 nước tham gia ký kết tuyên bố này cũng cam kết ngừng toàn bộ việc hỗ trợ tài chính cho các dự án điện than trong và ngoài nước. Cam kết về việc dần dần chấm dứt sử dụng than đá có thể cắt giảm lượng khí thải tương đương 0,2 tỷ tấn CO2 và nếu toàn bộ các nước OECD hay các nước sản xuất than đá lớn, như Australia, cũng tham gia ký kết thì lượng cắt giảm có thể tăng gấp 10 lần. Cuối cùng, một cam kết quan trọng khác là việc 22 quốc gia cam kết đến năm 2035 toàn bộ các xe hơi và xe tải được sử dụng sẽ là xe không khí thải. Cam kết này có thể cắt giảm 0,1 tỷ tấn CO2.

Về tổng thể, dù chưa có những cam kết, thỏa thuận đột phá lịch sử nhưng đến thời điểm này có thể nói COP26 cũng đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và toàn bộ các cam kết được đưa ra có thể giúp nhân loại tiến gần hơn 9% đến mục tiêu giữ cho trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21. Dù đây là một bước tiến còn khiêm tốn nhưng cho thấy các nước vẫn đang đi đúng hướng và khả năng cải thiện mục tiêu này vẫn còn tương đối lớn.

Theo VOV.VN