PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/06/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Chuyển biến tích cực từ nhận thức và hành động
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành chức năng, sự đồng thuận tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã mang lại nhiều kết quả thiết thực từ nhận thức đến hành động.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Hội chợ đặc sản vùng miền lưu vực Sông Cầu vừa tổ chức tại thành phố Bắc Kạn trong tháng 4/2025  là một trong
những hoạt động nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm và khích lệ người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam

Những năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh triển khai tuyên truyền trên báo in, báo điện tử các nội dung liên quan đến các cơ chế, chính sách phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động; giới thiệu, tư vấn, hướng dẫn sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam uy tín, các sản phẩm OCOP của địa phương; hành trình của các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn trong xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm phát triển tại thị trường trong và ngoài nước. Tích cực phối hợp với đơn vị triển khai Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt tới địa bàn vùng sâu, vùng xa. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh tuyên truyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật, công bố tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hợp quy phù hợp với tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam; quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý bảo hộ thương hiệu hàng hóa trong nước, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn hàng Việt có chất lượng...   

Thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn trong thực hiện Cuộc vận động; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam. Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản xuất trong nước; từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam. Các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có ý thức hơn trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước trong đời sống sinh hoạt hằng ngày; đồng thời, vận động người thân, gia đình, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.


Các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ năm 2021 đến nay đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021; năm 2023 tăng trên 33,41% so với năm 2022; năm 2024 tăng 17% so với năm 2023… Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản ổn định. Trong hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ truyền thống, tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 60%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nông sản nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều hội nghị quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm, ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trong phân phối và tiêu thụ sản phẩm; theo đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tiếp tục gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu khả năng cung ứng, nhu cầu tiêu thụ để xúc tiến, liên kết hợp tác với nhau trong thời gian tới. Sở Công Thương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường ứng dụng các hoạt động trong các hoạt động kết nối, như đưa các sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử nhằm tăng tính lan tỏa, tuyên truyền cho các sản phẩm thương hiệu Việt, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng thị trường.

Phối hợp, đồng hành trong triển khai Cuộc vận động, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt là các sản phẩm của tỉnh thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch; phối hợp tổ chức hàng loạt các sự kiện kích cầu du lịch địa phương như tổ chức các sự kiện “Sắc thu hồ Ba Bể”; “Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn”, Lễ hội Canaval đường phố...

Cùng với các hoạt động đó, thời gian qua, Sở Công Thương còn tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng liên quan tại các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ, làm lành mạnh hóa hoạt động của thị trường, góp phần ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặc dù nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, song với tốc độ phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử mang lại lợi thế cho người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa đa dạng, nhanh chóng và thuận tiện, cùng với tâm lý sính ngoại các hàng hóa nhập khẩu vẫn còn hiện hữu trong một bộ phận người tiêu dùng dẫn đến quá trình truyền thông cho Cuộc vận động cũng gặp nhiều khó khăn. Một số mặt hàng sản xuất trong nước chất lượng còn thấp, giá thành cao. Đa số các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh là hộ kinh doanh, quy mô sản xuất nhỏ, khó đáp ứng tiêu chuẩn và số lượng hàng hóa để cung cấp cho hệ thống phân phối hiện đại. Công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại và hàng giả còn gặp nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm này càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe; trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của cơ quan quản lý thị trường còn hạn chế...

Do đó, trong thời gian tới, cùng với đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhất là các chiến dịch lớn, ngành Công Thương tiếp tục quan tâm, chú trọng phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hoá, ổn định, bền vững, ưu tiên cho hàng Việt để đáp ứng nhu cầu và các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thương mại; tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường trong nước và quốc tế cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao trong lĩnh vực quản trị bán lẻ và chuỗi cung ứng. Động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động thông qua việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp Việt tiêu biểu và bình chọn sản phẩm Việt có uy tín, chất lượng; đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.../.

BH