PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham gia chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 20/3, tại Phiên họp thứ 21, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến tới các địa phương trong cả nước.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương chủ trì phiên chất vấn. Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các vị đại biểu Quốc hội tỉnh: Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu - Phó Tư lệnh Quân khu 1; Hà Sỹ Huân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Nguyễn Thị Huế - Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.


Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Phiên chất vấn lần này tiếp tục khẳng định vị trí của ngành Tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới, nhất là hoàn thành mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế, tìm ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của Ngành.

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã tiến hành chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các nhóm vấn đề: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án; công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng tập trung chất vấn về: Một số vụ án giải quyết quá thời hạn so với luật định; tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao; việc thực hiện hòa giải, đối thoại; những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải quyết các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng; tình trạng án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang; những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành Toà án nhân dân trong thời gian tới.


Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Tham dự phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đặt câu hỏi, thời gian qua, Unicef đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và Tòa án nhân dân tối cao đã trình hồ sơ đề nghị đưa dự án luật này vào chương trình. Đề nghị Chánh án cho biết, việc ban hành đạo luật này có khắc phục được bất cập trong giải quyết những vụ án liên quan đến người chưa thành niên hiện nay hay không? Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến?

Trả lời câu hỏi của ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, về tư pháp người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tối cao đang trình 1 dự án luật về nội dung này, hồ sơ đang được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Ở thế giới có luật chuyên biệt về vấn đề này. Do đó, việc xây dựng đạo luật riêng thể hiện cam kết của chúng ta là một trong hai quốc gia ở châu Á thực hiện các cam kết về bảo vệ trẻ em. Điều này thể hiện sự nhân ái, nhân đạo đối với trẻ em.

Về phiên tòa trực tuyến, về xét xử trực tuyến, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn ở các địa phương. Đến nay, các trang bị cho xét xử trực tuyến đã cơ bản đầy đủ, đã xét xử hơn 5400 vụ theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa; góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.

Hiện nay, khó khăn trong việc xét xử trực tuyến là việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cũng là việc cần thực hiện...

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời các vấn đề liên quan đến thi hành án dân sự và thu hồi tài sản của vụ án tham nhũng./.

Thu Cúc