PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2023
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (bản tin ngày 13/1/2023), hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái La Nina đến hết mùa xuân 2023, sau đó chuyển sang trạng thái trung tính. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ nửa cuối tháng 6/2023. Khả năng cao xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc trong những tháng chuyển mùa. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật; năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 15 đợt mưa lớn diện rộng, nhiều điểm đã ghi được lượng mưa ngày, tổng lượng mưa tháng vượt giá trị lịch sử.


Năm 2022, xã Kim Hỷ (Na Rì) bị thiệt hại nặng do mưa lũ

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn khẩn trương kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn các công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ; rà soát, tổng hợp các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; chủ động bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục các hạng mục công trình bị hư hỏng, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du đập.

Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện; bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc để nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng, bảo đảm ứng phó ngay khi có sự cố xảy ra, bảo đảm thực hiện việc xử lý sự cố công trình theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tổ chức trực ban nghiêm túc trong mùa mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, mực nước trên các sông, suối, hồ chứa để chủ động có phương án vận hành, điều tiết hồ chứa nước đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; Bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo quy định; thường xuyên tổ chức kiểm tra công trình kể cả khi không có mưa, lũ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố công trình.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm gây mất an toàn công trình thủy lợi; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi.

Rà soát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

BH