Độ tương phản
Luyện chì tại Công ty Cổ phần Luyện kim màu Bắc Kạn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 giấy phép khai thác khoáng sản chì, kẽm và 4 giấy phép khai thác khoáng sản sắt còn hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có 9 mỏ chì, kẽm và 3 mỏ sắt hoạt động sản xuất. Nguyên nhân khiến các mỏ dừng hoạt động chủ yếu là do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn do khai trường xuống sâu hơn; một số mỏ phải điều chỉnh thiết kế hoặc chưa xong các thủ tục về đất đai, môi trường nên chưa khai thác đạt công suất thiết kế.
Đối với hoạt động chế biến sâu khoáng sản, có 4 dự án nhà máy luyện chì đã xây dựng xong và đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế là 16.500 tấn chì kim loại/năm, 2 dự án sản xuất chì kim loại với tổng công suất 55.000 tấn/năm đang được đầu tư, trong đó Dự án nhà máy luyện chì 20.000 tấn/năm đã cơ bản xây dựng xong và vận hành sản xuất chạy thử; Dự án nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn đã xây dựng xong và đi vào sản xuất đến sản phẩm bột kẽm ôxít, kẽm sunfat, axit sunfuaric, tuy nhiên chưa lắp đặt xong dây chuyền điện phân kẽm. Về chế biến sâu khoáng sản sắt có Dự án nhà máy sản xuất fero mangan 60.000 tấn/năm đã xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 và chạy thử sản xuất sản phẩm xi giàu mangan, gang đúc.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) lĩnh vực công nghiệp ước đạt 289.766 triệu đồng, tăng 9,44% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, một số ngành chủ lực, nhất là công nghiệp sản xuất kim loại vẫn còn khó khăn về nguồn nguyên liệu. Qua khảo sát, đánh giá, sản lượng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy/dự án chế biến sâu khoáng sản chì, kẽm. Về khoáng sản sắt thì 100% được vận chuyển tiêu thụ ra ngoài tỉnh, trong khi Dự án nhà máy sản xuất fero mangan 60.000 tấn/năm xây dựng xong giai đoạn 1 đã vận hành chạy thử thì chưa được cấp giấy phép khai thác mỏ để cung cấp nguyên liệu cho Dự án.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp Bắc Kạn, huyện Chợ Đồn cho biết: “Dù đang trong quá trình chạy thử, nghiệm thu kỹ thuật thiết bị nhà máy nhưng chúng tôi đã sản xuất và tiêu thụ được 2.574 tấn gang, 1.368 tấn xỉ giàu mangan. Khó khăn lớn nhất của Công ty hiện nay đó là nguồn nguyên liệu không ổn định. Vì thế, Công ty mong muốn tỉnh quan tâm sớm cấp mỏ khai khác để đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất chế biến”.
Theo Quy hoạch khoáng sản trong thời kỳ 2021 - 2030, các dự án chế biến sâu khoáng sản chì kẽm tỉnh Bắc Kạn được phê duyệt đã và dự kiến đi vào sản xuất với công suất từ 16,5 nghìn đến hơn 40 nghìn tấn chì kim loại/năm thì nhu cầu tinh quặng chì sử dụng cần tối thiểu từ 33 - 80 nghìn tấn/năm, tương đương trên 260 - 650 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm. Như vậy, các mỏ khai thác trên địa bàn tỉnh hiện nay phải khai thác đảm bảo theo đúng công suất thiết kế thì mới cơ bản đáp ứng về lý thuyết cho các dự án chế biến sâu chì, kẽm hoạt động với công suất tối thiểu.
Tuy nhiên, điều kiện khai thác các mỏ khoáng sản ngày càng khó khăn, địa chất phức tạp, chi phí khai thác lớn và sản lượng tập trung chủ yếu từ mỏ kẽm chì Chợ Điền với công suất khai thác 100.000 tấn/năm. Ngoài ra, hiện nay, một số đơn vị đang thực hiện nhập khẩu tinh quặng chì, kẽm cung cấp cho nhà máy chế biến sâu khoáng sản trong tỉnh nhưng việc nhập khẩu nguyên liệu cần đảm bảo khối lượng hợp đồng nhập khẩu đủ lớn thì phía đối tác nước ngoài mới xem xét ký kết…
Vì vậy, để đảm bảo giải quyết vấn đề nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian trước mắt cũng như lâu dài, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh công tác thăm nắm tình hình sản xuất của các đơn vị; tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp khai khoáng, doanh nghiệp chế biến sâu khoáng sản nhằm tập trung, huy động tối đa nguyên liệu cho các nhà máy để duy trì sản xuất. Cùng với đó là tăng cường đôn đốc, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đảm bảo sản xuất đủ công suất thiết kế và huy động tối đa nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời chủ động hướng dẫn và giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho các dự án công nghiệp, đặc biệt các dự án điều chỉnh, mở rộng sản xuất như Dự án nhà máy luyện chì 20.000 tấn/năm, Dự án nhà máy sản xuất Feromangan 60.000 tấn/năm…
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, các doanh nghiệp khai khoáng khoáng sản chì, kẽm, khoáng sản sắt cũng cần chủ động chia sẻ thông tin và liên kết, liên danh trong việc cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định./.
Dự án xây dựng Sân vận động tỉnh Bắc Kạn điều chỉnh thời gian hoàn thành đến cuối năm 2025 (18/03/2025)
Bắc Kạn có 245 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (17/03/2025)
Đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất (17/03/2025)
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội (12/03/2025)
Khoa học công nghệ thay đổi tư duy sản xuất (12/03/2025)