PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/07/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Dấu ấn 20 năm triển khai tín dụng chính sách ở Bạch Thông
Chặng đường 20 năm qua đã ghi nhận những dấu ấn quan trọng trong triển khai tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Bạch Thông.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trải qua 20 năm, chính sách tín dụng ưu đãi của chính phủ đã được cấp ủy, chính quyền huyện Bạch Thông quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện và đánh giá rất cao, điều đó được thể hiện qua những đóng góp của hoạt động tín dụng chính sách đối với mục tiêu chung của địa phương.

Huyện Bạch Thông khen thưởng các cá nhân có thành tích tiêu biểu, điển hình trong triển khai thực hiện
Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu năm 2003, đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Bạch Thông đang triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đến 31/5/2022 là 332.793 triệu đồng, tăng 322.287 triệu đồng, tương ứng tăng 95% so với ngày đầu thành lập, tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm đạt 17%. Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 31,7 lần.

Hiện nay, có 5.126 hộ vay còn dư nợ, tăng hơn 5.000 hộ vay vốn so với năm 2002, dư nợ bình quân hộ là 64,92 triệu đồng/hộ. Số lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn trong 20 năm là 40.534 hộ, trong đó có 15.611 lượt hộ nghèo được vay vốn với số tiền 294.558 triệu đồng. Nguồn vốn cho vay thông qua Ngân hàng CSXH đã giúp cho các hộ nghèo có vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nhất là các hộ đang sinh sống tại các xã khó khăn, hộ dân tộc thiểu số. Theo số liệu điều tra, khảo sát từ các xã, thị trấn, thông qua nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH triển khai từ năm 2002 đến nay đã giúp cho 3.025 lượt hộ gia đình thoát nghèo.

Chương trình cho vay hộ cận nghèo, dư nợ là 111.950 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 33,64% so với tổng dư nợ, tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm đạt 56%. Số hộ còn dư nợ là 1.498 hộ, dư nợ bình quân 74,7 triệu đồng/hộ. Đến tháng 5/2022, đã có 3.798 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với số tiền 205.957 triệu đồng. Chương trình đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho nhiều hộ cận nghèo xây dựng cuộc sống ổn định và thoát khỏi nguy cơ tái nghèo.

Triển khai từ năm 2015, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ trọng 4,76% so với tổng dư nợ, tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm đạt 22,62%. Hiện nay, số hộ còn dư nợ là 226 hộ, dư nợ bình quân 70,1 triệu đồng/hộ. Sau 8 năm triển khai đã có 476 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với số tiền 28.095 triệu đồng.

Cùng với đó, các chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xuất khẩu lao động; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ nghèo về nhà ở; trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi... cũng được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, đã có 9.878 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn với số tiền 20.236 triệu đồng; 2.278 lượt lao động được vay vốn để tạo việc làm với số tiền 66.748 triệu đồng; 155 lao động vay đi xuất khẩu, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương; 7.744 lượt hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn, với số tiền 252.779 triệu đồng để mở rộng sản xuất và vươn lên làm giàu chính đáng. Toàn huyện xây dựng được 16.748 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư chăn nuôi trên 10.000 gia súc, trên 20.000 con lợn, trên 350.000 con gia cầm, trồng rừng được 1.015 ha, cải tạo, trồng mới trên 354 ha cây ăn quả, mua sắm vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh, phát triển ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Nguyễn Duy Luân đánh giá, trong 20 năm qua, cùng với các chương trình mục tiêu của huyện, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã góp phần giúp trên 3.000 hộ gia đình thoát nghèo, năm 2002, tỷ lệ hộ nghèo 30,4%, đến năm 2021 giảm xuống còn 12,91%. Nhiều vùng nông thôn đã phát triển khởi sắc từ hiệu quả của nguồn vốn vay, từng bước thay đổi nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giữ ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Thu Trang