PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/09/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Thời gian qua, các cấp, các ngành và lực lượng chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí; trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm nhằm răn đe, giáo dục chung được xác định là các nhiệm vụ trọng tâm.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), thời gian qua, các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều cách thức phong phú, sáng tạo, có hiệu quả thiết thực.


Lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố Bắc Kạn tuyên truyền, giáo dục ATGT cho học sinh Trường Tiểu học Đức Xuân

Lực lượng Công an, Ban An toàn giao thông các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; tuyên truyền trực tiếp tại các địa bàn đông dân cư, qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; qua tổ chức các cuộc thi “Rung chuông vàng”, “Giao thông học đường”; tuyên truyền qua các mô hình như “ Tổ nhân dân tự quản”, “Thanh niên với công tác ATGT”, “ Phụ nữ với công tác ATGT”, “Măng non với An toàn giao thông”, “Trường học an toàn giao thông”, Khu dân cư văn hóa ATGT”; trao tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh vào lớp 1...

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai đến 100% cán bộ, chiến sĩ viết cam kết chấp hành nghiêm kỷ luật và thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT. Hằng năm, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; thăm hỏi, tặng quà các gia đình khó khăn có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông...

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở tổ chức ký cam kết hằng năm với các doanh nghiệp vận tải hành khách về chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải bằng xe ô tô; phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm ATGT đường thủy nội địa; triển khai kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ trên một số tuyến đường trọng yếu...

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai đến 100% các cấp học, bậc học, công chức, viên chức trong toàn Ngành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; tích cực tổ chức cho giáo viên và học sinh tham gia các cuộc thi về ATGT hằng năm như Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam tổ chức, đem về nhiều giải thưởng của tập thể và cá nhân. Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh trao tặng hàng nghìn mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh bước vào lớp 1...

Các cơ quan truyền thông như Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện các phóng sự chuyên đề về hoạt động tuần tra của lực lượng chức năng, công tác xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông; kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện; công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông...

MTTQ các cấp đã chủ trì triển khai, xây dựng, duy trì nhân rộng các mô hình “Khu dân cư văn hóa ATGT”, “Khu dân cư không vi phạm trật tự ATGT”, “Khu dân cư giữ gìn trật tự ATGT”, “Đoạn đường tự quản”. Vận động xây dựng gia đình, khu dân cư bảo đảm ATGT trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phối hợp tổ chức cắm biển tuyên truyền về ATGT trên các tuyến đường trọng yếu, trao tặng Mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người nghèo...

Các cấp Công đoàn đã tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT thông qua hệ thống hồ sơ công việc, lồng ghép trong hội nghị tập huấn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt công đoàn, sinh hoạt câu lạc bộ, trên mạng xã hội (zalo, facebook); đưa việc chấp hành pháp luật giao thông vào công tác kiểm điểm, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tổ chức cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động ký cam kết không vi phạm pháp luật, không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông…Kết quả, hằng năm, có trên 95% công nhân viên chức lao động khu vực hành chính sự nghiệp và trên 90% công nhân lao động khu vực doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ...

Tỉnh đoàn tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự ATGT qua cuộc vận động “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự ATGT” và cuộc vận động “4 không: “ Không điều khiển xe mô tô, xe máy khi không có giấy phép lái xe; không cổ vũ và đua xe trái phép; không điều khiển mô tô, xe máy khi đã uống rượu bia”; tổ chức cho 100% đoàn viên thanh niên ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ; phối hợp với lực lượng Công an tham gia đảm bảo trật tự ATGT tại các ngã ba, ngã tư; đăng ký các tuyến đường Thanh niên tự quản; duy trì 25 cổng trường ATGT tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh...

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tích cực triển khai các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Phụ nữ tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình”, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Các cấp Hội tiếp tục duy trì 420 đoạn đường phụ nữ tự quản, những con đường hoa, thường xuyên quét dọn đường làng, ngõ xóm theo định kỳ, đảm bảo đường thông, hè thoáng; duy trì hiệu quả mô hình “Đội mũ cho con trọn tình cha mẹ”…

Các cấp Hội Nông dân tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hưởng ứng, tham gia xây dựng nếp “Văn hóa giao thông” trong cộng đồng và giữ gìn an ninh trật tự; duy trì 10 mô hình “Chi hội nông dân đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông ”...

Qua công tác tuyên truyền đã góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao nhận thức về pháp luật Giao thông đường bộ của người dân; ý thức trách nhiệm của cán bộ, quần chúng Nhân dân trong đảm bảo trật ATGT được nâng lên rõ rệt; Nhân dân đã thể hiện sự tin tưởng, ủng hộ các cấp chính quyền trong tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng của tỉnh đã thường xuyên đổi mới phương thức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, tổ chức thanh tra, kiểm soát theo chuyên đề, thực hiện nghiêm các đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT; tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, xử lý các vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ. Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 71.000 vi phạm về điều khiển các phương tiện giao thông; xử phạt vi phạm với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, toàn tỉnh xảy ra 272 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 119 người, bị thương 328 người. Trong đó, năm 2016 có 72 vụ, 34 người chết, 84 người bị thương; năm 2017 có 54 vụ, 21 người chết, 75 người bị thương; năm 2018 có 67 vụ, 29 người chết, 85 người bị thương; năm 2019 có 58 vụ, 25 người chết, 71 người bị thương; 6 tháng đầu năm 2020 có 21 vụ, 10 người chết, 13 người bị thương); thiệt hại tài sản ước tính khoảng 7,2 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, mặc dù trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã đạt được những kết quả nổi bật, tai nạn đã được kìm chế, tuy nhiên số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Thực trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân như: Số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng; còn tình trạng vi phạm về quy hoạch, xây dựng như lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè hành lang an toàn giao thông để tập kết vật liệu, nông, lâm sản, kinh doanh; công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải còn hạn chế; việc xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông chưa mang tính chất răn đe cao... Song, các hành vi vi phạm do người điều khiển phương tiện như: Đi không đúng làn đường, phần đường quy định; không chấp hành quy định về tốc độ, chuyển hướng hoặc vượt không đúng quy định; do vi phạm nồng độ cồn... vẫn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT.

Vì vậy, để kéo giảm tai nạn giao thông, vấn đề nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông cần phải tiếp tục được quan tâm, tăng cường thực hiện với nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.

Bích Huệ