PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/06/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm, chú trọng đến công tác cải cách tư pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của tỉnh họp triển khai nhiệm vụ năm 2022

Thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021 ban hành tại Kế hoạch số 387/KH-UBND ngày 16/11/2016 của UBND tỉnh, hoạt động cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, tiến bộ.

Số luật sư và tổ chức hành nghề luật sư được quan tâm, tạo điều kiện phát triển, đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý của cá nhân, tổ chức cũng như của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng Luật sư Trần Minh, Văn phòng Luật sư Bắc Kạn, Văn phòng Luật sư Hoàng Toàn, Văn phòng Luật sư Hà Minh Ngọc, Chi nhánh Công ty luật TNHH Đại An phát, Chi nhánh Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp) với 7 luật sư. Trong giai đoạn 2016 - 2021, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải quyết 675 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 220 vụ việc, góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Trong hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp được kiện toàn về tổ chức, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng. Trong giai đoạn 2016 - 2021, Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện 1.996 vụ việc/1.996 lượt người có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, trong đó tham gia tố tụng 1.331 vụ việc, tư vấn 664 vụ việc và hòa giải 1 vụ việc.

Là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, số lượng giám định viên tư pháp luôn được quan tâm kiện toàn, bổ sung kịp thời. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập là Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y và Giám định y khoa trực thuộc Sở Y tế; có 1 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng thuộc Sở Xây dựng. Toàn tỉnh có tổng số 51 giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực kỹ thuật hình sự, tài liệu, pháp y, giao thông vận tải, tài chính, thuế, đất đai, khoáng sản, xây dựng, văn hóa, môi trường, đo đạc bản đồ, khoáng sản, tài nguyên nước... Các tổ chức giám định tư pháp tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định tư pháp đúng quy định. Kết quả giám định chính xác, khách quan, đáp ứng được yêu cầu, giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Về hoạt động công chứng, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 3 phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp (Phòng Công chứng số 1 có trụ sở tại thành phố Bắc Kạn; Phòng Công chứng số 2 có trụ sở tại huyện Chợ Đồn; Phòng Công chứng số III có trụ sở tại huyện Chợ Mới) và 1 Văn phòng Công chứng Lê Thanh có trụ sở tại thành phố Bắc Kạn. Có tổng số 7 công chứng viên. Chất lượng, quy mô và tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề công chứng, đội ngũ công chứng viên từng bước được nâng cao. Từ năm 2016 - 2021, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng 30.120 việc, chứng thực 80.512 việc, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng. Hoạt động công chứng của các tổ chức đã phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hợp đồng, giao dịch, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ những người làm công tác bổ trợ tư pháp tại Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Phòng Công chứng được tạo điều kiện tham gia học tập, đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng nâng cao kiến thức...

Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về công tác cải cách tư pháp, tỉnh cũng đã quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp với chủ trương “Ưu tiên trang bị phương tiện phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác xét xử, công tác giám định tư pháp”. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong hoạt động tư pháp được tăng cường. Các đơn vị đã từng bước triển khai ứng dụng hiệu quả các phần mềm chuyên ngành như: Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung; phần mềm cập nhật văn bản quy phạm pháp luật vào cơ sở quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; phần mềm quản lý thông tin đấu giá tài sản; phần mềm quản lý tổ chức hành nghề công chứng; phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng; phần mềm báo cáo thống kê tư pháp...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp không ít khó khăn. Các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn thiếu; chưa phát triển được đội ngũ luật sư trẻ, chưa có luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại. Số lượng công chứng viên của tỉnh Bắc Kạn còn ít, với 7 công chứng viên; chưa có giám định viên về giám định kỹ thuật số, điện tử… và chưa có tổ chức thực hiện giám định về môi trường. Cơ sở vật chất, điều kiện đáp ứng yêu cầu giám định còn khó khăn. Năng lực và chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý chưa đồng đều, chưa có giải pháp hiệu quả, sáng tạo trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan để nâng cao số vụ việc tham gia tố tụng.

Vì vậy, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của tỉnh đã yêu cầu ngành chức năng tiếp tục kiện toàn, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, luật sư trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mớiCùng với đó là tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là công tác giám định theo từng lĩnh vực cho đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực bổ trợ tư pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cải cách tư pháp. UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ, bổ sung kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp, nhất là công tác giám định tư pháp, công chứng, luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.../.

Bích Huệ