PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/07/2019
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bên cạnh việc triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bên cạnh việc triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên.

Sau 03 năm (2016 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/6/2016 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết số 05-NQ/TU), tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 29,40% năm 2016 xuống còn 21,88% cuối năm 2018 (giảm 7,52%), bình quân mỗi năm giảm 2,51%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Để đạt được những kết quả trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã quan tâm, đưa công tác giảm nghèo bền vững trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên được cụ thể hóa thành Nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND các cấp và từng đơn vị; tích cực tuyên truyền để khơi dậy tính tự lực của người nghèo; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh…

Xác định rõ một trong những điều quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng, để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo. Chính vì vậy, công tác nâng cao năng lực, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng kế hoạch, kịch bản, chuyên mục phóng sự tuyên truyền chùm Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) phát sóng trên kênh truyền hình địa phương; in sổ tay các Nghị quyết cấp cho Bí thư chi bộ thôn, tổ phố để thông tin đến người dân, trong đó có Nghị quyết số 05-NQ/TU. Các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền Nghị quyết và các hoạt động về giảm nghèo, các chế độ chính sách; giới thiệu kinh nghiệm, cách làm hay, kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng. Riêng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng 5 chương trình phát thanh, 22 phóng sự tuyên truyền, hỗ trợ phát sóng cho 70 Đài Truyền thanh cơ sở và 08 Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố với tổng số trên 1.000 lượt phát sóng; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn có “Chuyên trang giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Kạn” đăng tải các văn bản liên quan đến công tác giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh và gần 100 tin, bài tuyên truyền về thực hiện công tác giảm nghèo tại các địa phương… Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức được 38 buổi nói chuyện chuyên đề về công tác giảm nghèo, thu hút trên 2.400 lượt người tham gia.

Người dân tích cực sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả

Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cho cán bộ, người dân và đặc biệt là người nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước hỗ trợ cho công tác giảm nghèo bền vững; nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo; đồng thời bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo. Người dân được nâng cao về nhận thức, thấy được lợi ích của các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ đã tích cực tham gia thực hiện các hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập để từng bước thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Trong đó, có tình trạng tại một số địa phương, cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thật sự quan tâm vào cuộc chỉ đạo quyết liệt nên việc tổ chức thực hiện chương trình chưa cụ thể. Một số ít người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cấp trên, chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo…

Công tác giảm nghèo là một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh và các địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để xóa nghèo một cách bền vững thì không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền mà quan trọng nhất chính là sự nỗ lực của chính người dân. Do đó, bên cạnh triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo cần được ưu tiên hàng đầu và đẩy mạnh hơn nữa.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU đề ra, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp dân cư và người nghèo trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo; nhằm khơi dậy ý chí, chủ động vươn lên của người nghèo từ đó tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư của Chương trình, của cộng đồng vươn lên thoát nghèo bền vững; khắc phục tư tưởng trông chờ, ý lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không đề ai bị bỏ lại phía sau”. Biểu dương, động viên kịp thời những gương điển hình về giảm nghèo, phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.

Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố (tại văn bản số 1752/UBND-VXNV ngày 08/4/2019) đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, yêu cầu các ngành, các cấp tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức đối với người dân về công tác giảm nghèo để người dân biết và hiểu được các chính sách hỗ trợ, quyền lợi, trách nhiệm trong việc thực hiện Chương trình giảm nghèo. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu những mô hình/dự án thành công để người dân học tập, ứng dụng vào sản xuất./.

Hương Dịu