PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/06/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Để các HTX nông nghiệp tiếp cận gần hơn với chính sách của HĐND tỉnh
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các đơn vị, địa phương và nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung tại Điều 11 của Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Việc điểu chỉnh chính sách sẽ giúp cho các HTX tiếp cận gần hơn với Nghị quyết của HĐND tỉnh

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết để các cơ quan liên quan và địa phương có cơ sở tổ chức, thực hiện.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 196 hợp tác xã (HTX), với 1.751 thành viên tham gia. Trong đó có 01 Liên hiệp HTX và 149 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau 01 năm HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND đến nay trên địa bàn chưa có doanh nghiệp, HTX nào được hỗ trợ chính sách tín dụng.

Nguyên nhân do dịch Covid-19 phát sinh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Một số doanh nghiệp, HTX có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của ngân hàng như: Doanh nghiệp, HTX đang có dư nợ trong ngân hàng do được vay theo các chính sách, chương trình khác hỗ trợ; hồ sơ pháp lý không đầy đủ, chặt chẽ, phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả; một số dự án vượt quá khả năng tài chính của hợp tác xã; tài sản chủ yếu là tài sản của thành viên nên khi tiếp cận với các Ngân hàng thương mại hầu hết các HTX không vay được vốn hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất của Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 08/2019/NQHĐND.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND quy định thời gian HTX được vay vốn hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất trong 01 năm. Khi đó, HTX chưa thu hồi được vốn sản xuất đã phải hoàn vốn cho ngân hàng nên khả năng tái sản xuất của HTX gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có một số HTX sau khi thành lập năng lực tài chính quá hạn hẹp, không đủ điều kiện để vay vốn từ ngân hàng thương mại sau một thời gian hoạt động cầm chừng đã phải giải thể.

Xuất phát từ thực tế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Nghị quyết điều chỉnh khoản 1, Điều 11, Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND theo hướng: Bổ sung và mở rộng đối tượng hỗ trợ đến thành viên HTX. Tăng mức hỗ trợ từ 01 năm lên 03 năm để phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh của HTX và phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các thành viên và các khoản vay trung hạn của các Ngân hàng thương mại.

Cụ thể: Mức hỗ trợ đối với Doanh nghiệp, HTX hỗ trợ lãi suất vốn vay 6%/năm; mức vay được hỗ trợ lãi suất bằng 70% giá trị hợp đồng tối đa không quá 2.000 triệu đồng/đối tượng. Thời gian hỗ trợ tối đa 03 năm, mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 01 lần.

Đối với thành viên HTX hỗ trợ lãi suất vốn vay 6%/năm; mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 200 triệu đồng/thành viên. Thời gian hỗ trợ tối đa 03 năm, mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 01 lần.

Điều kiện hỗ trợ đối với Doanh nghiệp, HTX: Có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với người dân trong thời gian 03 năm, giá trị hợp đồng từ 2.000 triệu đồng trở lên; có vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Đối với thành viên hợp tác xã: Vay vốn để sử dụng vào mục đích sản xuất chế biến các sản phẩm theo chuỗi liên kết của HTX và có hợp đồng cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho HTX, Doanh nghiệp trong thời gian 03 năm hoặc có xác nhận của HTX về việc góp vốn của các thành viên có vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi chính sách được triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX có nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chủ động đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất... từ đó thúc đẩy các sản phẩm có thế mạnh của địa phương thành hàng hóa, có thương hiệu và tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Đây cũng là giải pháp cơ bản thực hiện thành công Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035.

Trong thời gian từ ngày 10/6/2020 đến ngày 10/7/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến các đơn vị, địa phương góp ý đối với dự thảo Nghị quyết. Quý độc giả cũng có thể tham gia ý kiến trực tiếp theo hướng dẫn tại mục Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản pháp luật của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn, địa chỉ: https://backan.gov.vn/Pages/lay-y-kien-du-thao-van-ban/danh-sach-van-ban.aspx./.

Hương Lan