PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/02/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Để công nghiệp chế biến trở thành ngành công nghiệp chủ lực
Ngành công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đang có sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng tăng nhanh. Từ những lợi thế sẵn có, Bắc Kạn đang định hướng phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp tiềm năng này trong thời gian tới.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình

Đóng góp đáng kể của ngành công nghiệp chế biến

Công nghiệp chế biến tỉnh Bắc Kạn đã từng bước phát triển gắn với tiềm năng thế mạnh địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực và mở ra định hướng, hình thành một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, là ngành có tỷ trọng đóng góp ngân sách hằng năm cao, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách địa phương.

Ngành công nghiệp chế biến đã có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt có một số sản phẩm xuất khẩu, như miến dong, ván dán, chì kim loại... và đã trở thành động lực, giữ vai trò chủ chốt phát triển ngành công nghiệp của tỉnh; tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương; ý thức tác phong lao động công nghiệp từng bước được hình thành và phát triển.

Giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp tỉnh Bắc Kạn có mức tăng trưởng cao, đạt 11,93%/năm. Tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn này có sự tăng trưởng, tăng từ 4,3% năm 2016 lên 5,7% năm 2020 trong tổng GRDP của tỉnh, tuy nhiên còn ở mức thấp so tỷ trọng ngành công nghiệp trong toàn ngành kinh tế của cả nước (năm 2016 là 27,1% và năm 2020 là 27,54%).

Ngành công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng giảm từ 54,72% năm 2015 xuống 50,73% năm 2020; cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 27,9% năm 2015 lên 33,35% năm 2020, trong đó, điển hình như nhóm ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng từ 21,65% năm 2015 lên 36,72% năm 2020.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo việc làm ổn định cho 7.157 người lao động với 2.300 hộ kinh doanh cá thể, 46 hợp tác xã và 65 doanh nghiệp; tổng số vốn sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 1.500 tỷ đồng (chiếm 26% tổng vốn sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp) nhưng đạt doanh thu thuần khoảng 605 tỷ đồng (chiếm 53,4% doanh thu thuần toàn ngành công nghiệp).

Phấn đấu đến năm 2030, cơ cầu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 70% toàn ngành công nghiệp

Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Bắc Kạn xác định mục tiêu kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đầu tư kết cấu hạ tầng, vùng nguyên liệu và nguồn nhân lực; xây dựng đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong ngành công nghiệp; sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh và là động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trong Đề án phát triển công nghiệp chế biến tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, GRDP khu vực công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 13%/năm; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng bình quân 17,61%/năm (GRDP theo giá so sánh 2010). Đến năm 2025, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 50% toàn ngành công nghiệp. Định hướng đến năm 2030, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh và trở thành động lực phát triển ngành công nghiệp, các ngành kinh tế của tỉnh. Đến năm 2030, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 70% toàn ngành công nghiệp.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bắc Kạn tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn của tỉnh. Cụ thể với các sản phẩm của nhóm sản phẩm chế biến lâm sản như: Ván sợi, ván gỗ composite tổng hợp, tre ép khối, viên nén gỗ… gắn với vùng nguyên liệu; nhóm sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống và tiểu thủ công nghiệp tập trung vào sản phẩm dong riềng, cây chè, rượu men lá. Đối với sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, tập trung nguồn nguyên liệu quặng chì, kẽm cho các nhà máy luyện chì, kẽm đảm bảo công suất thiết kế.

Đối với nhóm sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại, tập trung duy trì sản xuất ổn định các nhà máy sản xuất hiện có (Nhà máy chế biến đá thạch anh tại KCN Thanh Bình, Nhà máy chế biến đá thạch anh tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, các nhà máy sản xuất gạch). Đồng thời mở rộng các cơ sở khai thác vật liệu xây dựng thông thường đáp ứng yêu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm...; thu hút đầu tư các dự án sản xuất các sản phẩm khoáng kim loại, sản xuất vật liệu công nghiệp, vật liệu xây dựng có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó là tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư các dự án dệt, may công nghiệp, da giầy sử dụng lao động tại chỗ.

Với những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra, Bắc Kạn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo bền vững, có hiệu quả và gắn với công tác bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ với các ngành nông nghiệp, dịch vụ và với các địa phương trong vùng và cả nước./.

Hương Lan