PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn
97% đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa; gần 97% thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 89% trạm y tế có bác sĩ làm việc và 02 xã, 36 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135... là những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bắc Kạn có gần 314.000 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 88%, gồm 7 dân tộc chính: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa và Sán Chay. Toàn tỉnh có 108 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có 66 xã khu vực III, 08 xã khu vực II, 34 xã khu vực I và 79 thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ đồng bào DTTS của tỉnh được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Toàn tỉnh còn 2,58% dân số chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); trên 39% số hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh; gần 30% hộ có nhà ở thiếu kiên cố hoặc đơn sơ; trên 79% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật…

Thông qua các chính sách hỗ trợ, người dân huyện Ba Bể có nguồn vốn để chăn nuôi vươn lên thoát nghèo 

Trước thực trạng trên, từ năm 2016 đến nay, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước. Chính sách hỗ trợ chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ nhóm hộ, tạo điều kiện cho đồng bào chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng DTTS và miền núi của tỉnh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tỉnh đã đầu tư hỗ trợ xây dựng nhiều dự án và nhân rộng các mô hình giảm nghèo cho trên 18.000 lượt hộ, trong đó hộ nghèo trên 13.000 lượt hộ, cận nghèo 4.500 lượt hộ và 440 hộ mới thoát nghèo. Riêng năm 2020, đã thực hiện đầu tư 100 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 24 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với hơn 500 hộ hưởng lợi. Thông qua các dự án, mô hình phát triển sản xuất, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận dần với sản xuất hàng hóa.

Thực hiện tiểu dự án Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã mở 265 lớp tập huấn và 07 cuộc tham quan học tập kinh nghiệm cho trên 9.500 lượt học viên là cán bộ công chức xã, cán bộ thôn, người có uy tín, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đại diện tổ, nhóm thợ... Thông qua các lớp tập huấn, từng bước giúp đội ngũ cán bộ xã, thôn thực hiện nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án, nâng cao nghiệp vụ quản lý tài chính ngân sách và quy trình triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nghiệp vụ giám sát đầu tư cộng đồng và kỹ năng thực hiện gói thầu theo cơ chế đặc thù và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho cộng đồng, cán bộ cơ sở...

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn với nguồn vốn trên 11 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 3.100 hộ thuộc diện hưởng lợi, trong đó có 700 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 350 hộ được hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ và trên 2.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 hộ vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí 21 tỷ đồng để chăn nuôi, trồng trọt và cải tạo đất sản xuất theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020. Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm trở lại đây, có trên 43.600 hộ nghèo vùng khó khăn được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với kinh phí gần 18 tỷ đồng để mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y...

Giai đoạn 2016-2020, nhiều tuyến đường đến các thôn, bản ĐBKK của huyện Ba Bể được nâng cấp, mở mới

Thực tế cho thấy, phát triển giao thông nông thôn là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Nơi nào có đường giao thông thì sản xuất và sinh hoạt được thuận lợi, đời sống bà con thay đổi từng ngày. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng đường giao thông những năm qua luôn được tỉnh chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 97% đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện được cứng hóa và 79% thôn vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông, tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại thuận tiện, giao lưu hàng hoá, phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Cùng với các công trình giao thông, Bắc Kạn cũng đã đầu tư xây dựng được 156 công trình thủy lợi; 06 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; 105 trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 70 công trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt thuộc Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng - chương trình 135. Toàn tỉnh đã thực hiện duy tu bảo dưỡng gần 790 công trình với trên 25 tỷ đồng... Hằng năm, danh mục công trình hạ tầng đầu tư và công trình duy tu bảo dưỡng được đề xuất xây dựng đều lựa chọn từ cơ sở. Trong quá trình triển khai, tỉnh đã huy động thêm các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đôn đốc tiến độ thi công gắn với tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình.

Có được những kết quả trên không thể không nhắc đến vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác bầu chọn, công nhận đội ngũ người có uy tín. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.305 người có uy tín/1.310 thôn, tổ. Đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người có uy tín như: Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, biểu dương khen thưởng, thăm hỏi ốm đau, hỗ trợ gia đình người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn; cấp báo, tạp chí; tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin và đưa người có uy tín đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

Tuyên truyền Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã thực hiện mô hình điểm của huyện Na Rì

Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm, trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tỉnh cũng đã thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025". Trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai 11 mô hình điểm tại 10 xã đặc biệt khó khăn, xã có nguy cơ tảo hôn cao và 01 mô hình tại trường học. Theo đó, đã tổ chức 32 hội nghị tập huấn cho các thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã, nhóm nòng cốt, trưởng thôn, người có uy tín; phát hành 15.700 tờ gấp, 80 pa nô, 300 cuốn sổ tay hỏi đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình, in sao 100 băng đĩa hình bằng 2 thứ tiếng dân tộc Mông, Dao, nội dung liên quan đến pháp luật tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cấp phát cho các địa phương thực hiện mô hình điểm. Phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức 06 đợt tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa tại các xã thực hiện mô hình điểm, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đến nay, các bản làng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con được nâng lên, hộ nghèo giảm xuống còn gần 20%, cơ bản không còn hộ đói, đời sống vật chất và tinh thần đổi thay rõ rệt. Có được kết quả này, có sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể trong thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo nên sức bật cho vùng đồng bào DTTS sớm tiếp cận với trình độ phát triển chung trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Thu Trang