PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đưa Luật MTTQ vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận
Sau khi Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, cấp ủy Đảng, chính quyền và MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Vai trò, vị trí của MTTQ được khẳng định và nâng cao

Sau 5 năm thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên đã có sự phối hợp hành động, từng bước thể chế hóa các nội dung của Luật vào thực tiễn. Đáng chú ý, việc thực hiện Luật đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể về vai trò, vị trí, nhiệm vụ và mối quan hệ của MTTQ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, vai trò, vị trí của MTTQ được khẳng định và nâng cao trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động chính trị - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…

Bám sát các quy định của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, MTTQ các cấp còn tích cực, chủ động thực hiện đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam chủ trì. Thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời phản ánh, kiến nghị với cấp ủy và chính quyền, tạo nên sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận xã hội, thu hút ngày càng nhiều các trí thức, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động của Mặt trận, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận, mở rộng phạm vi hoạt động của Mặt trận, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.


Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng tổ chức hiệu quả, thiết thực ở các khu dân cư

Việc đa dạng hóa tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân thông qua hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11) được quan tâm và tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hằng năm, 100% các khu dân cư đều tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua các hoạt động của Ngày hội, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể với quần chúng Nhân dân càng thêm gắn bó, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh

5 năm qua, cùng với việc đưa Luật MTTQ Việt Nam vào cuộc sống, đây cũng là quãng thời gian diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Để có sự thành công cho kỳ bầu cử này, theo quy trình, MTTQ các cấp đã tổ chức nhiều hội nghị cử tri để lấy ý kiến của các tầng lớp Nhân dân tham gia nhận xét, giới thiệu, hiệp thương, đề cử những người tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Theo định kỳ, MTTQ các cấp lại cùng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tổ chức tiếp xúc cử tri, lắng nghe và ghi nhận những ý kiến, kiến nghị, tâm tư, tình cảm của Nhân dân đối với sự phát triển của tỉnh, địa phương, những bức xúc trong đời sống. Phối hợp cùng với các ban, ngành tổ chức tham gia đóng góp hàng nghìn ý kiến Nhân dân xây dựng dự thảo luật, pháp lệnh như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo... Trong đó, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được triển khai lấy ý kiến Nhân dân đến từng khu dân cư, qua tổng hợp có 11.096 ý kiến góp ý vào dự thảo.

Đặc biệt, phát huy vai trò của MTTQ các cấp trong công tác xây dựng Đảng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai lấy ý kiến Nhân dân đóng góp vào dự thảo văn kiện trình đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Song song đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn giám sát trên địa bàn tỉnh được 214 cuộc về các lĩnh vực mà đông đảo các tầng lớp Nhân dân quan tâm như: Giám sát việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; việc thu, chi các loại quỹ do Nhân dân đóng góp trong xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện tuyên truyền phòng chống dịch; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19…; phối hợp tham gia giám sát cùng Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp được 1.065 cuộc. Qua công tác giám sát đã phát hiện, ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra, từ đó đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết, góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đến nay, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền các cấp, mối quan hệ của cấp ủy Đảng đối với MTTQ và các tổ chức thành viên được tăng cường, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của MTTQ các cấp ở địa phương hiệu quả hơn. Từ đó, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển./.

Thu Trang