Độ tương phản
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Chợ Mới Lương Như Quảng, sau hơn 5 tháng triển khai mô hình Chợ 4.0 tại Đồng Tâm có một số thuận lợi cơ bản. Mô hình nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện Chợ Mới; Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn. Cùng với đó là sự phối hợp tích cực của các đơn vị viễn thông như Viettel Bắc Kạn, Viettel Chợ Mới, VNPT, bưu điện huyện; sự vào cuộc của UBND thị trấn Đồng Tâm và sự phối hợp của bà con Nhân dân, các tiểu thương kinh doanh tại chợ…
Để thực hiện hiệu quả mô hình, huyện Chợ Mới đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị viễn thông để tuyên truyền cài mã QR, vận động thanh toán số tại các cửa hàng mà việc thanh toán có số lượng tiền tương đối lớn. Đối với những tiểu thương buôn bán nhỏ, lẻ, huyện cũng đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân thanh toán số nhiều hơn, qua đó từng bước đưa vào phổ cập rộng rãi.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận lợi cho cả tiểu thương và khách hàng khi mua, bán; vừa an toàn, vừa hạn chế nhầm lẫn. Hoạt động này còn đảm bảo vệ sinh khi khách hàng không phải nhận lại tiền bù từ tiểu thương. Thay vì sử dụng tiền mặt để mua bán như trước, giờ đây tiểu thương và khách hàng có thể mua bán hàng hóa bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua ứng dụng trên điện thoại một cách nhanh chóng, an toàn và bảo mật.
Theo một số tiểu thương và người dân thường mua hàng tại đây, thời gian đầu triển khai, họ đã cảm nhận được sự thuận tiện của phương thức thanh toán này. Nhiều người lúc đầu còn khá bỡ ngỡ khi thanh toán trực tuyến, tuy nhiên sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn đã quen dần và bắt đầu áp dụng. Theo chị Phạm Thị Hương, là tiểu thương tại chợ Đồng Tâm cho biết, bản thân chị có thể sử dụng tốt việc thanh toán không dùng tiền mặt, chị thấy việc thanh toán này thuận lợi, nhanh chóng và an toàn, đặc biệt hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình giao dịch. Những khách hàng trẻ tuổi, họ thường sử dụng rất nhanh việc chuyển khoản hay quét mã QR để mua hàng.
Mặc dù có những thuận lợi nhất định, tuy nhiên, bước đầu triển khai mô hình điểm, huyện cũng gặp một số khó khăn. Nguồn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền chưa thực sự phong phú và đa dạng, kinh phí cho triển khai mô hình còn hạn chế, nhận thức của người dân chưa đồng đều, một số người dân lo ngại hoặc chưa tin tưởng vào thanh toán qua các app, thanh toán trực tuyến. Đối với một số hộ kinh doanh lớn đã thực hiện thanh toán chuyển khoản hoặc quét mã QR tương đối đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, đối với tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ như bán rau, củ, quả, ăn sáng… thì việc quét mã QR hoặc thanh toán trực tuyến chưa thực sự hiệu quả.
Chị Phạm Thị Phương, xã Quảng Chu cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều tiện lợi. Tuy nhiên, vào những lúc đông khách sẽ phải chờ đợi lâu, thỉnh thoảng tài khoản ngân hàng gặp lỗi thì việc giao dịch cũng khó. Vì thế, chị vẫn dùng tiền mặt để thanh toán khi mua hàng tại đây. Hơn thế nữa, một số người dân chưa có điện thoại thông minh, hoặc đã có nhưng chưa cài đặt ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại. Với người trẻ thì dễ, song với người cao tuổi, việc thanh toán này cũng không đơn giản.
Với mục đích giúp hình thành thói quen từng bước đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch, mua bán hàng hóa của người dân, huyện Chợ Mới phấn đấu đến hết năm 2023, 100% tiểu thương tham gia bán hàng tại Chợ 4.0, các hộ kinh doanh và người dân sử dụng công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Chợ Mới Lương Như Quảng cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về mô hình, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ 4.0. Phối hợp với các đơn vị, địa phương đánh giá lại các nội dung đã triển khai, cung cấp các nội dung tuyên truyền đến thị trấn Đồng Tâm để nâng cao nhận thức của người dân về mô hình thí điểm này. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc triển khai mô hình. Huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia vào quá trình giao thương mua bán tại Chợ, tích cực phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp, viễn thông trên địa bàn huyện cung cấp các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương, mở rộng tác tiện ích thanh toán số, phát triển mô hình ngân hàng số.
Việc triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 tại huyện Chợ Mới đã góp phần thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt; dần hình thành thói quen bước đầu của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và góp phần hình thành kinh tế số, xã hội số toàn diện trên địa bàn huyện trong thời gian tới./.
Các cấp Hội Nông dân huyện Ngân Sơn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (30/09/2023)
Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân (30/09/2023)
Phụ nữ huyện Chợ Đồn tích cực đóng góp cho xã hội (26/09/2023)
Dự án đường kết nối vào Phiêng My, thành phố Bắc Kạn phấn đấu về đích trước kế hoạch (25/09/2023)
Măng nứa tép Mai Lạp - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh (21/09/2023)